Cuộc khởi nghĩa Yên Thế do thủ lĩnh Lương Văn Nắm và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo kéo dài ngót 30 năm (1884-1913), bằng thời gian tổng cộng của hai cuộc chiến tranh vĩ đại chống Pháp và Chống Mỹ, của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam Dân chủ- Cộng hòa, từ 1945 đến 1975.
Tuy nhiên, khi nhắc tới cuộc khởi nghĩa Yên Thế thì lâu nay nhiều người thường nhắc tới vị thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám. (Thực ra, Hoàng Hoa Thám cũng là con cháu họ Lương, ông họ gốc là Trương, có mẹ đẻ là Lương Thị Minh.).Còn về Lương Văn Nắm, sau hội thảo khoa học “Vai trò của thủ lĩnh Lương Văn Nắm với cuộc khởi nghĩa Yên Thế, do sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Bắc Giang và Ủy Ban Nhân dân huyện Tân Yên tổ chức vài tháng 3 năm 2014, chúng ta mới biết rõ hơn một sự thật: Lương Văn Nắm là thủ lĩnh đầu tiên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong 8 năm, từ 1884 đến 1892. Thời gian tại vị của thủ lĩnh Lương Văn Nắm, tuy không phải là dài, nhưng những gì Lương Văn Nắm đã để lại cho cuộc khởi nghĩa không thể phủ nhận đó là tinh thần chiến đấu bền bỉ, sức sống mãnh liệt cho cuộc khởi nghĩa sau này.

Trong 8 năm chiến đấu kiên trì với mục đích giành lại độc lập, tự do cho đất nước, Đề Nắm đã vạch ra được phương châm chiến lược đúng đắn, định ra được kẻ thù chính là bọn thực dân, phong kiến để tập trung toàn bộ mũi nhọn cuộc đấu tranh vào chúng. Ông đã sớm xây dựng được các căn cứ địa là hệ thống đồn lũ Khám Nghè, Hồ Chuối, các làng chiến đấu Dương Sặt- Thế Lộc,Luộc Hạ, Cao Thượng…để làm bàn đạp và chỗ dựa cho cho cuộc đấu tranh và đã xây dựng được lòng tin vững chắc cho dân chứng trong vùng, đã lôi kéo được nhiều binh lính Việt, Pháp vào hàng ngũ nghĩa quân bằng sự chính nghĩa và sách lược mềm dẻo.
Trong suốt 8 năm, nghĩa quân Đề Nắm đã đánh bại gần một vạn quân Pháp do các tướng Gô -Đanh, Voa Rông chỉ huy, đẩy lùi các cuộc tấn công của thực dân Pháp vào vùng Yên Thế, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề mà còn đưa phong trào khởi nghĩa phát triển rộng khắp vùng Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…Tài năng và uy tín của Lương Văn Nắm đã khiến thực dân Pháp khiếp sợ, chúng tìm mọi cách để mua chuộc và hãm hại ông. Cuối cùng, Lương Văn Nắm đã bị sát hại vào năm 1892, bởi một thủ hạ là Đề Sặt. Tên Phản bội này đã bị Đề Thám trừng trị, và người cháu ngoại họ Lương là Hoàng Hoa Thám chính thức lên thay Lương Văn Nắm lãnh đạo phong trào chống Pháp Yên Thế cho đến năm kết thúc 1913, khi chính Đề Thám cũng bị hai tên thủ hạ giết hại. Mặc dù cuối cùng Khởi nghĩa Yên Thế thất bại, nhưng phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế “đã đánh dấu một thời kỳ quật khởi oanh liệt, đã chứng minh sức dự trữ hùng hậu của giai cấp nông dân trong lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc” Bản lĩnh, tinh thần và lòng yêu nước của các tướng lĩnh và nghĩa quân Yên Thế, trong đó có người con dòng họ chúng ta Lương Văn Nắm và cháu ngoại họ Lương Hoàng Hoa Thám, đã khắc sâu trong lịch sử và tâm trí của nhiều thế hệ người dân họ Lương nói riêng và Việt Nam nói chung, trở thành bản hùng ca bất diệt của dân tộc. Vì vậy, nhắc đến khởi nghĩa Yên Thế, nói đến các danh nhân họ Lương, chúng ta không thể không nhắc đến Lương Văn Nắm.
Lương Văn Nắm, trong thời gian làm thủ lĩnh nghĩa quân Yên Bái, thường được gọi: Đề Nắm, Đề Hả, Thống Hả, Thống Nắm, Đại Hả, Đại Nắm.
Tên gọi chệch vì kiêng tên cúng cơm: Gói.
- VỀ XUẤT THÂN VÀ THỜI TRƯỚC KHỞI NGHĨA CỦA
LƯƠNG VĂN NẮM
Lương Văn Nắm, người làng Hả, xã Thế Lộc, huyện Yên Thế, nay là thôn Gia Tiến, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Cụ tổ dòng họ Lương duy nhất tại Tân Trung là Lương Văn Kình, hiệu là Phúc Kính. Cụ Kình quê miền xuôi, không rõ quê quán, lên xóm Rừng Chàm (thuộc làng Gia) sinh sống và lập nghiệp vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Rừng Chàm là nơi tiếp giáp giữa làng Gia và Khùa. Phần đất này do gia đình anh Lương Văn Thìn (cháu của ngành thứ ba) đang ở. Cụ Kình có 5 người con trai và 2 người con gái. Lương Văn Nắm sinh vào khoảng năm 1836, là con trai thứ năm, là con của bà vợ thứ.
Khi cụ Phúc Kính mất, bà mẹ mới đưa hai con nhỏ là Nắm và em gái về xóm Khùa, cách xóm Rừng Chàm 500-600m, thuộc làng Hà cùng xã, quê đẻ của bà. Về nguồn gốc tên Nắm, tác giả Nguyễn Văn Hợi lý giải rằng: Hồi Nắm còn nhỏ, ngày ngày mẹ ông phải đi rừng đi rú hoặc đi làm thuê từ sớm để kiếm gạo nuôi con. Trước khi đi làm, bà nấu cơm và gói mấy nắm cơm rổi ủ lại cất phần cho hai anh em ở vành cối xay. Khi hai anh em ngủ dậy, lấy các nắm cơm mẹ để lại vừa ăn vừa chạy chơi quanh xóm. Người làng quen dần cảnh ấy của hai anh em, tiện mồm gọi thằng anh là thằng Nắm.
Lương Văn Nắm có 3 vợ:
- Vợ cả là Hà Thị Nhẩy, người xóm Quyên. Với người vợ cả, Lương Văn Nắm sinh được một con trai là Lương Văn Lộc.
- Đỗ Thị Trương: người làng Dương Sặt, là em gái của Đỗ Văn Hùng, tức Đề Sặt. Không có con.
- Nguyễn Thị Cạy: trẻ, đẹp, con gái ông Cai Khanh, người làng Cao Thượng, con nhà giàu, bán vải ở chợ Đình Nèo. Bà Cạy cũng chưa có con thì Lương Văn Nắm đã mất.
Lương Văn Nắm lớn lên là một thanh niên khỏe mạnh, giỏi võ nghệ, ngang tàng, không chịu khuất phục trước bọn hào lý và cả hệ thống chế độ cường quyền. Tuy ít học, nhưng ông cởi mở, giao du rộng trong vùng, sớm bộc lộ tư chất của một thủ lĩnh bởi khả năng thu hút, tập hợp những người cùng chí hướng.
Những sự kiện như uất ức dám đốt nhà Lý Mấm, rồi lại kết hợp với Lý Mấm làm Trương tuần, huấn luyện đội quân của làng Hà chống lại Chánh Tước ở làng bên, bắt năm mươi trai tráng mà chánh Tước sai đi gặt lúa trộm của nhà Lý Mấm trên hai mẫu ruộng mà chánh Tước thua bạc gán cho Lý Mấm. Rồi sự kiện Trương Tuần Nắm kết nghĩa anh em với Lý Sặt (Đỗ Văn Hùng) ở làng Dương Sặt huấn luyện cả hai đội dân binh làng Hà 100 người và Dương Sặt 300 người. Đội quân 400 người hỗ trợ cho nhau để giữ làng. Sau hai sự kiện đốt nhà Lý Mấm và bắt trộm đã làm cho tiếng tăm Trương Tuần Nắm nổi lên khắp vùng.Sự kiện chống lại bọn cướp – phỉ do Lý Dương tài tổ chức cướp phá làng Dương Sặt cùng thể hiện tài năng mưu trí của anh Trương Nắm khi bày binh, bố trận đội quân hai làng Hả và Dương Sặt đánh tan bọn phỉ Lý Dương Tài được trang bị đầy đủ vũ khí súng đạn với đội quân đông tới hàng ngàn người. Sự kiện này làm chấn động cả vùng từ người giàu đến người nghèo, người có chức sắc đến dân thường, ai ai cũng phục tài mưu trí, dũng cảm của Trương Nắm đã tiêu diệt được bọn phỉ cậy đông quân, được trang bị đầy đủ, thường diễu võ, dương oai chém giết, đốt phá giữa ban ngày.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873, lần thứ hai năm 1882, rồi hiệp ước 1883 giữa triều đình nhà Nguyễn với Pháp, nhà Nguyễn thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Nam Kỳ, tiếp đến là Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Pháp chiếm Hà Nội rồi thành Bắc Ninh. Đầu năm Giáp Thân 1884, giặc
Pháp tấn công tỉnh Bắc Ninh, thành Bắc Ninh thất thủ. Quân Pháp tấn công lên Thái Nguyên tràn qua vùng Yên Thế. Căm thù giặc Pháp dã tâm cướp nước ta, uất ức trước sự hèn nhát của triều đình nhà Nguyễn, khắp nơi nhân dân ta nổi dậy chống Pháp, trong đó có cả hàng ngũ quan lại có nghĩa khí cũng ly tán triều đình dựng cờ khởi nghĩa. Ở Bắc Ninh có Nguyễn Cao (Tán Cao).
Vừa được tôi luyện, thử thách qua các cuộc khởi nghĩa chống triều đình phong kiến nhà Nguyễn (1862-1875) và 10 năm chống bọn giặc thổ phỉ Tầu Ngô Côn – Lý Dương Tài, nhân dân Yên Thế lại tiếp tục đứng lên chống thực dân Pháp. Gần như đồng thời, nhiều nhóm, toán chiến đấu chống giặc đã tập hợp lực lượng, bầu thủ lĩnh, đứng lên dựng cờ khởi nghĩa.Thủ lĩnh một nhóm của một làng có chức Đề Đốc, được gọi bằng Đề+ tên làng hoặc tên người, như: Đề Sặt (Đỗ Văn Hùng)ở làng Dương Sặt; Đề Nắm (Lương Văn Nắm) hoặc Đề Hả ở Làng Hả. Nếu tổ chức gồm nhiều nhóm hợp lai, thì thủ lĩnh được gọi là Thống+ tên thủ lĩnh, như Thống Luận- Thống Ngò ở Vân Cầu…
II.TÌNH THẾ DẪN ĐẾN KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ SỰ XUÁT HIỆN CỦA THỦ LĨNH LƯƠNG VĂN NẮM
Khi Pháp chiếm thành Bắc Ninh với đội quân hùng mạnh do trung tướng Mi-lô tổng chỉ huy quân đội Bắc Kỳ, thiếu tướng Brie đơ Lin Lơ, thiếu tướng Negrie… buộc Tán Cao phải rút quân lên thành Tỉnh Đạo.
Ở Tỉnh Đạo có sự phối hợp của Đề Nắm và Đề Sặt. Tán Cao củng cố thành Tỉnh Đạo và nghĩa quân Đề Nắm tiếp tục xây dựng làng chiến đấu cùng hệ thống đồn bốt để cản đường tiến của giặc Pháp. Mỗi người là một pháo đài đánh giắc, mỗi đồn bốt sẽ là mồ chôn giặc Pháp. Hệ thống làng chiến đấu mọc lên khắp nơi như Làng Sặt, Khê Hạ, Cao Thượng, Thế Lộc (làng Hả), Bằng Cục, Ngọc Nham, Yên Lễ, Lèo v.v…
Làng Sặt một địa điểm chiến đấu do Đề Sặt chỉ huy, Làng Hả do Đề Nắm chỉ huy, tất cả các làng xã ở Yên Thế đều trở thành làng chiến đấu.
Khi Tán Cao kéo quân lên Tỉnh Đạo, mặc dù thành Tỉnh Đạo được củng cố rất vững chắc lại có sự liên kết với đội quân của Đề Nắm, Đề Sặt, nhưng bọn Pháp với lực lượng mạnh do tướng Briê đờ Lin Lơ chỉ huy lại có cha xứ Colô me và Bang Uông làm gián điệp đưa đường nên thành Tỉnh Đạo bị đánh úp rất nhanh,lực lượng của Đề Nắm không kịp hỗ trợ nên thành Tỉnh Đạo bị Pháp chiếm rất nhanh.
Chiếm được Tỉnh Đạo, Briê đờ Lin Lơ thừa thắng mở đường tiến lên đánh chiếm Thái Nguyên, tướng Nêgriê từ Bắc Ninh đánh lên Phủ Lạng Thương, Kép, Mẹt rồi chiếm Lạng Sơn. Đề Nắm, Đề Sặt cũng phán đoán được âm mưu của quân Pháp sẽ đánh chiếm Thái Nguyên, nên đã có kế hoạch đánh úp bất ngờ tại Đức Lân.
Đêm 15 và rạng ngày 16/3/1884, Lương Văn Năm cho quân mai phục ở Đức Lân (Phú Bình-Thái Nguyên). Trước trận đánh,ông tập hợp nghĩa quân, và nói với binh sĩ: “Ngày mai có ba đại đội Pháp chừng 300 tên hành quân từ Tỉnh Đạo-Nhã Nam lên Thái Nguyên qua địa phận Đức Lân. Âu cũng là điềm trời xui khiến để chúng tự dẫn xác đến làm tấm bia sống cho quân sĩ ta kiểm tra lại đường ngắm và sự sắc bén của đường kiếm, lưỡi gươm, bõ công cho những ngày đêm luyện tập. Thời cơ giết giặc lập công đã đến, tất cả tướng sĩ và nghĩa quân hãy dũng cảm xông lên lấy nhiều đầu giặc, để chiều mai (16/3/1884) ta sẽ làm lễ tế cờ.”
Lời tuyên đó đã làm nức lòng nghĩa quân, và tất cả mọi diễn biến của trận Đức Lân đã xẩy ra đúng như Đề Nắm đã tiên liệu Quân Pháp trên đường hành quân từ Tỉnh Đạo- Yên Thế lên Thái Nguyên đã lọt vào trận địa phục kích. Nghĩa quân bất ngờ nổ súng làm đội hình Pháp tán loạn. Sau hơn một giờ giao chiến, địch mới thoát khỏi vòng vây và để lại nhiều thương vong. Trận Đức Lân, tướng Briê đờ Lin Lơ thất bại nặng nề, trận đánh mở màn của nghĩa quân Yên Thế do Đề Nắm chỉ huy đã chiến thắng vang dội khắp vùng Yên Thế.
Ngay lập tức Đề Nắm cũng cho quân rút lui về căn cứ làng Hả- Tân Trung. Chiều cùng ngày (16-3-1884) tại đình chùa làng Hả- Tân Trung, có sự tham gia của hơn ngàn nghĩa quân và dân làng các nơi kéo về, các thủ lĩnh từ các nhóm khác, Đề Nắm làm lễ tế cờ chính thức phát động cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống kẻ thù xâm lược Pháp.
. Trong không khí linh thiêng, hương lửa ngạt ngào, giữa tiếng súng thần công ầm vang rừng núi, dưới bóng cờ nghĩa bay rợp trời, Đề Nắm, đọc lời thề trước các tướng quân Thống Luận, Thống Sặt, Thống Ngò, Đề Thị, Đề Nguyên, Đề Công, Đề Truật, Đốc Thức, Cai Khao… cùng toàn thể các tướng lĩnh nghĩa quân đã tuốt kiếm, thề nêu cao chí khí tổ tiên, quyết hy sinh chiến đấu đánh đuổi bọ Tây Dương, bảo vệ dân làng, quê hương, nếu phản bội xin trời tru đất diệt.
Đề Nắm được quân sĩ nhất loạt tung hô và ông đảm nhận trọng trách tổng chỉ huy nghĩa quân.Từ đó, Đề Nắm được gọi là Thống Hả hay Thông Nắm.
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo dài 30 năm, đã được khởi đầu như thế và thủ lĩnh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lương Văn Nắm đã xuất hiện như vậy.
III. TÁM NĂM CHIẾN ĐẤU CHỐNG NGOẠI XÂM NGOAN CƯỜNG, OANH LIỆT ĐI VÀO SỬ SÁCH CỦA THỦ LĨNH TÀI BA LƯƠNG VĂN NẮM
Từ ngày Lương Văn Nắm dấy binh khởi nghĩa 16-3-1884, đến khi người anh hùng của chúng ta bị kẻ phản bội đê hèn giết hại, ngày 11 tháng 4 năm 1892, là 8 năm 25 ngày.
Hai năm đầu (1884-1885), tập hợp dưới ngọn cờ của Lương Văn Nắm mới chỉ là những nhóm vũ trang trong vùng. Theo Tài liệu của “Lịch sử quân sự Đông Dương’’ thì “Những nhóm này gồm 400 tay súng, đóng trong một vùng dưới quyền Đề Nắm. Chỉ trừ một lực lượng nòng cốt thường trực khoảng 60 người, còn lại là dân trong vùng hễ có lệnh là tập hợp ngay…Đề Nắm tổ chức vùng Yên Thế và lập ra ở đây những pháo đài thật sự.” Phải từ cuối năm 1885 trở đi, cuộc khởi nghĩa Yên Thế mới mở rộng thành phong trào Yên Thế khi nó tăng cường sức hút và là trung tâm chỉ đạo của nhiều cuộc khởi nghĩa khác, như Thái Nguyên của Đề Công, Đề Nguyên, Bảo Lộc của Cai Biếu – Tổng Bưởi và nhất là nhóm vũ trang của Bá Phức- Đề Thám vừa tách khỏi cuộc khởi nghĩa Cai Kinh. Lực lượng được tăng cường cả về lượng và chất,thì những cuộc chiến đấu chống giặc Pháp từ năm 1887 trở đi liên tiếp diễn ra vô cùng khốc liệt.
Trong quãng thời gian tám năm, Đề nắm đã trực tiếp và cùng với các tướng lĩnh chỉ đạo, tham gia đánh, truy kích địch hàng chục trận lớn nhỏ, trong đó có những trận thắng tiêu biểu được ghi vào sử sách và cả những lời thú nhận”khẩu phục, tâm phục” của tướng tá Pháp. Ví dụ:
- Trận Đức Lân 16-3-1884;
- Trận phối hợp chiến Dương Sặt- Thế lộc tháng 8/1889;
- Trận truy kích một tiểu đội địch trên đường rút về Hà Châu, 26-8-1889;
- Trận Tĩnh Đao-Phú Mọc, ngày 27-8-1889;
- Trận Luộc Hạ 25-3-1890;
- Trận Cao Thượng, 6-11-1890;
- Một loạt trận đánh ở Hố Chuối.tháng 12-1890;
- Trận Khê Hạ, 8-1891;
- Trận Đồn Hom- Khám Nghè, 27-3-1892.
Ø Trận tấn công vào làng Sặt và làng Thế lộc.
Ngày 18-9-1889 Pháp cho đội quân thám báo mạnh do đại tá Gooc-xơ chỉ huy tấn công vào cứ điểm làng Sặt. Ở đây chúng vấp phải sự phản công mạnh mẽ của 250 nghĩa quân được phòng ngự kiên cố. Sau một ngày chiến đấu, nghĩa quân rút khỏi căn cứ, quân Pháp mới vào dược làng. Chúng cho phóng hỏa thiêu hủy làng Sặt và làng Thế Lộc.
Cũng ngày 18-9 toán quân của Đội Văn trên đường lên Yên Thế gia nhập đội quân của Đề Nắm đã chạm trán và đánh nhau với quân Pháp do trung úy May-Ơ chỉ huy ở chùa làng Lai, xã Nghĩa Trung.
Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, tháng 10-1889 quân Pháp đã huy động một lực lượng lớn gồm 384 tên dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng ĐuyMông đã càn quét vùng Yên Thế trong suốt 15 ngày, từ 1-10 “với nhiệm vụ phải chiếm lấy thành Tỉnh Đạo, san phẳng đồn nhỏ và những làng có đắp lũy trong vùng Yên Thế, sau đó xuống vùng hạ Yên Thế đánh tan bọn cướp đóng giữa sông Thương và đường Phủ Mọc Cầu Tràng” (theo Lịch sử quân sự Đông Dương). Sau một thời gian dài lùng sục nhằm tiêu diệt nghĩa quân, chúng lại phải thừa nhận sự thất bại này.
Cũng theo tiến sĩ Sử học Khổng Đức Khiên trong cuốn “Hoàng Hoa Thám (1836 -1913) có ghi: “trong cuốn Hoàng Hoa Thám và phong trào khởi nghĩa Yên Thế của nhóm tác giả Đinh Xuân Lâm đề cập tới: đầu 1889, địch rút khỏi Tỉnh Đạo về đóng ở Bố Hạ, đồng thời lập thêm đồn Khố Xanh Bỉ Nội để uy hiếp nghĩa quân thường lui tới lập căn cứ ở làng Sặt, nhưng cũng chỉ được ít lâu bị nghĩa quân tấn công san phẳng đồn Bi Nội, chúng phải rút không dám bén mảng đến nữa. Chiến sự ở vùng Yên Thế sau đó thường vẫn tiếp diễn gay go, không mấy lúc ngớt tiếng súng. Ngày 17-9-1889, nghĩa quân do Đề Nắm chỉ huy đánh đội quân của quan Ba Gorce thua liểng xiểng ở làng Sặt và xóm Thế Lộc. Đich phải dùng trọng pháo yểm hộ, phản kích nhưng suốt một ngày chỉ chiếm được mấy cái nhà cháy dở, còn nghĩa quân đã rút toàn bộ vào rừng. Sau trận này, đich tăng cường viện binh đối phó phong trào kháng chiến mỗi ngày một lan rộng. Về phía nghĩa quân cũng lo củng cố lực lượng, chuẩn bị đối phó.
Trong cuốn” Việt Nam- những sự kiện lịch sử 1858-1918” ghi nhận: ngày 18/8/1898, thực dân Pháp đem quân tấn công tàn phá làng Sặt, căn cứ ngĩa quân Đề Nắm. Đề Nắm rút quân về Hữu Thượng (lúc bấy giờ Đề Nắm chiếm toàn bộ phía Bắc Nhã Nam (Tỉnh Đạo) để lập căn cứ. Làng Sặt là một pháo đài kiên cố của nghĩa quân. Trong đợt tấn công này, quân Pháp đã nã đại bác tàn phá làng trước rồi sau đó mới kéo quân vào. Nghĩa quân trong làng chống đánh quyết liệt. Các toán nghĩa quân bên ngoài làng Sặt cùng phối hợp chiến đấu chống đánh quân Pháp. Cuối cùng, quân Pháp phải tung kỵ binh đi lùng sục, đàn áp các nghĩa quân ở bên ngoài trước để chặn mọi đường tiếp ứng cho bên trong. Nhưng Đề Nắm đã cùng với nghĩa quân thoát khỏi vòng vây của địch và kéo về lập căn cứ ở Hữu Thượng.
ØTrận đánh vào làng Cao Thượng
Tháng 4-1890, quân Pháp lại tổ chức một cuộc hành quân do một viên quan cai trị dân sự chỉ huy. Những toán lính khố xanh mới được tăng cường trong vùng (như đồn Bỉ Nội, Ngọc Cục…và Bắc Ninh) tấn công vào làng Cao Thượng, nhưng bị nghĩa quân cố thủ trong làng đánh bại.
Tiếp đó viên đại úy Pháp chỉ huy đồn Bố Hạ tập trung 10 lính lê dương và 30 lính pháo thủ khác vượt sông Sỏi tiến về phía Tĩnh Đạo và chạm trán với đội quân của Đề Thám ở làng Luộc. Hai bên đánh nhau kịch liệt. Vất vả lắm toán lính khố xanh mới thoát khỏi vòng vây, rút về đồn Bố Hạ, để lại 2 xã lính pháo thủ cùng nhiều vũ khí, 6 pháo thủ khác bị thương.
Tháng 5-1890, nghĩa quân Yên Thế được trang bị đầy vũ khí, đạn dược hoạt động rộng khắp trong vùng.
Đến tháng 10-1890, quân đội Pháp tổ chức một cuộc hành quân mới, nhằm mục đích tiêu diệt hoặc đánh tan những tóan nghĩa quân và thiết lập một số đồn bốt trong vùng nhằm hỗ trợ cho các chức trách trung thành với chính phủ Pháp.
Lực lượng hành quân của Pháp được chí làm 3 đạo quân dưới sự chỉ huy của tướng Gô-đanh:
- Đạo quân thứ nhất do tiểu đoàn trưởng Byelie chỉ huy gồm 6 sĩ quan, 213 lính, trang bị súng trường.
- Dạo quân thứ hai do tiểu đoàn trưởng Tan chỉ huy gồm có 11 sĩ quan,
324 lính có súng trường,80 pháo binh và 4 khẩu đại pháo.
– Đạo quân thứ ba do đại úy Teeta chỉ huy gồm có 2 sĩquan, 140 lính có súng trường, 11 pháo binh, 1 khẩu đại bác.
Mục tiêu thứ nhất của cuộc hành quân là làng Cao Thượng, một làng được phòng thủ kiên cố. Chính ở đây những toán lính khố xanh đã bị thua một trận đẫm máu vào tháng 4-1890.
Cuộc tấn công vào Cao Thượng: 7 giờ sáng ngày 6-11-1890 hai cánh quân do Beylie và Tan chỉ huy đã gặp nhau ở gần Phủ Mọc và sát nhập với nhau dưới quyền chỉ huy của thiếu tướng Gô-đanh.
Đồi Cao Thượng chạy dài 1500m theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, nổi lên giũa đồng ruộng bao quanh, cao từ 60-80m, sườn phía Đông rất dốc, trở thành vị trí phòng thủ mạnh của nghĩa quân,
Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra quyết liệt suốt một ngày. Quân Pháp đã nã 197 quả pháo vào căn cứ. Cuộc giao tranh kết thúc, nhưng quân Pháp vẫn không chiếm được làng. Phía quân Pháp bị chết 2 lính lê dương, 1 lính pháo thủ, 9 tên bị thương. Sớm hôm sau, khi quân Pháp tiến được vào làng thì nghĩa quân Đề Thám đã rút lui, bảo toàn lực lượng.
Ø Trận đánh Luộc Hạ
Cùng ngày 6-11, toán quân của Tê-ta từ Bố Hạ hành quân theo con đường đi Tỉnh Đạo. Đến 8 giờ sáng, sau khi vượt suối ngòi Sặt thì chúng phát hiện được lực lượng nghĩa quân.
Nghĩa quân từ làng Luộc Hạ và từ các khu rừng ở Hữu Thượng kéo ra dàn thành trận tuyến gần 2 cây số trên cánh đồng, bố trí lực lượng thành khoảng hai chục toán nhỏ, sẵn sàng giao chiến. Nghĩa quân đã phòng thủ rất quyết liệt, chủ động tấn công trước, buộc quân Pháp phải lui về ngọn đồi có đại quân đóng. Cuộc chiến diễn ra từ ngọn đồi này qua ngọn đồi khác, kéo dài suốt 7 giờ liền, đến 5 giờ chiều quân Pháp chiếm được 1 ngọn đồi cao để cầm cự.
Nghĩa quân với 500 tay súng đã chiếm giữ các đồi xung quanh làng Luộc Hạ, bao vây quân Pháp suốt 3 ngày liền. Quân Pháp đã phải bắn 4000 viên đạn súng trường, 30 quả đạn pháo và bị thương 4 tên mới bảo toàn được căn cứ của chúng.
Ngày 9-11,các toán quân của Bê-gli-ê, Tan và Tê-ta đã gặp nhau và cùng tiến đánh thành Tỉnh Đạo. Từ địa điểm này, những toán quân pháp từ ngày 10 đến ngày 20-11, đã tổ chức một loạt cuộc tấn công tuần tiễu vào các vùng mà chúng nghi là có nghĩa quân chiếm đóng.
Ngày 13-11, trong cuộc hành quân tuần tiễu ấy,quân Pháp tiến vào căn cứ làng Sặt, thì gặp phải sự kháng cự của nghĩa quân. Trung úy Plat, thuộc đơn vị thủy quân lục chiến đã bị nghĩa quân bắn chết.
Trong hại cuộc càn quét khác, quân Pháp từ Phủ Lạng Thương, hành quân ngược sông Thương, được pháo thuyền hỗ trợ, tấn công vào một căn cứ gần làng Phú Khê, giết chết 7 người dân.
Theo tiến sĩ sử học Khổng Đức Thiêm: “Chiến thắng Cao Thượng- Luộc
Hạ đầu tháng 11-1890 một lần nữa chứng tỏ tài thao lược của Đề Nắm, Đề Thám và Bộ chỉ huy nghĩa quân. Đây là những trận đánh cho thấy nghĩa quân đã từng ngang ngửa với kẻ thù và đã làm cho kẻ thù thây được sức mnahj của lòng quả cảm, dám đánh, dám thắng của con người Yên Thế.”
Ø Trận đánh làng Khê Hạ (21-6-1891)
Ngày 21-8-1891, quân Pháp do giám binh Pô-li-can dẫn đầu với 40 lính bảo an, truy đuổi toán quân của Đề Nắm đi lấy lương thực ở làng Khê Hạ (nay thuộc xã Quế Nham).Chạm trán nghĩa quân, tên giám binh bị bắn trọng thương. Chúng phải xin đồn binh ở Phủ Lạng Thương cho quân chính quy lên tiếp viện(một đơn vị gồm 10 lính thủy đánh bộ với 55 lính khố đỏ).
Làng Khê Hạ nằm ở hữu ngạn sông Thương, cách thị xã Phủ Lạng Thương 10km về phía Bắc, được bao bọc bởi lũy tre dầy, phía trong còn nhiều hàng rào che chắn. Xung quanh làng là dải ruộng sâu ngập nước.
Cũng theo tiến sĩ sử học Khổng Đức Thiêm: Khê Hạ cùng với Phú Khê,Khê Thượng, Ba làng là những làng chiến đấu kiên cường nằm ngay ở cửa ngõ Yên Thế, sát Phủ Lạng Thương, được rặng đồi Quảng Phúc và các khu đồng chiêm trũng bảo vệ, án ngữ. Đây còn là cơ sở hậu cần rất quan trọng để cung cấp thóc gạo, vũ khí cho nghĩa quân, là địa bàn hoạt động quen thuộc của Đề Nắm, Thống Bùi, Quản Đang và 16 nghĩa quân thưỡng xuyên xuất hiện tại đây để củng cố cơ sở và tổ chức các đường dây vận chuyển”.
Chính vì tầm quan trọng của nó, quân Pháp đã bao vây, cho phóng hỏa một căn nhà tranh rìa làng rồi tấn công vào làng,
Qua một ngày bao vây, quân Pháp vẫn không vào được làng. Trong trận chiến đấu này, nghĩa quân Yên Thế, dưới sự lãnh đạo của Đề Nắm đã tiêu diệt được viên trung úy chỉ huy Pháp, tên giám binh và 8 lính khố đỏ, lính bảo an bị chết và bị thương. Trận chiến này đã thể hiện rõ tài năng quân sự của Đề Nắm, khắc ghi tấm gương hy sinh dũng cảm của Quản Đang.
Ø Trận Khám Nghè- Đồn Hom (27-3-1892)
Rời đồn Hố Chuối, nghĩa quân rút về hệ thống đồn xây dựng ở dọc sông Sỏi. Đề Nắm về Khám Nghè, Đề Thám về Đồn Hom, Đề Hậu về Đồng Vương, Đề Trung về Ao Rắn, Thống Tài về Hang So và các đồn Đề Lâm, Bá Phức. Đây là hệ thống đồn lũy liên hoàn có khả năng hỗ trợ nhau.
Tháng 3 năm 1892, Tướng Voa-Rông đem 2400 lính từ 3 ngả tấn công hệ thống phòng thủ sông Sỏi.. Khi đánh vào Đồn Hom, ngay loạt đạn đầu giặc đã bị tiêu diệt 45 tên. Ở Khám Nghè, chúng dồn dập nã đại bác vào đồn rồi cho quân chặn rào lũy tấn công, nhưng bị thất bại nặng nề’’
Như vậy, trong suốt 8 năm nắm quyền làm thủ lĩnh, nhất là thời gian 3 năm từ 1889-1892, nghĩa quân Yên Thế đã chống lại và giành thắng lợi trước 7000 lính Pháp, do các tướng Brie-đơ-Lin, Gô-Đanh, Voa-rông chỉ huy. Giặc Pháp phải thừa nhận: “Đây là bãi chiến trường và là nơi xẩy ra những sự kiện quân sự quan trọng nhất trong xứ thuộc địa của chúng ta ở viễn đông” (Phơ- Rây).
Qua những trận đánh và chiến công đó, Lương Văn Nắm đã khẳng định được vai trò thủ lĩnh của mình, ông đã trực tiếp và cùng với các tướng lĩnh chỉ đạo, tham gia đánh, truy kích địch hàng chục trận lớn nhỏ, trong đó có những trận thắng tiêu biểu được ghi vào sử sách trên vùng đất Yên Thế Hạ (tức Tân Yên ngày nay) và với tư chất của một thủ lĩnh kết hợp với một tầm nhìn chiến lược, một sự chuẩn bị chu đáo, một bản lĩnh sáng suốt của người chỉ huy chiến đấu, ông đã giành được những thắng lợi giòn giã, liên tục ngay từ trận đầu. Chính vì thế ông đã thu phục được hầu như toàn bộ các thủ lĩnh đã dựng cờ khởi nghĩa không chỉ ở vùng Yên Thế về đứng dưới ngọn cờ đại nghĩa mà cả những tướng lĩnh, những sĩ phu ở nơi xa cũng tụ về.
Qua nghiên cứu các trận đánh lớn trong 8 năm làm thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa của Lương Văn Nắm, có thể đưa ra các nhận định sau:
- Thứ nhất, đứng trước sự bất công của xã hội, cũng như với sự bù nhìn của chế độ phong kiến thối nát,những nông dân áo vải hôm trước vẫn cầm cuốc, cầm cày, hôm sau đã đứng lên chặn đánh kẻ thù xâm lược và làm lễ tế cờ phát động khởi nghĩa với một mong muốn là mình được độclập, tự do, được làm chủ mảnh đất quê hương.
- Thứ hai, điều đặc sắc của cuộc khởi nghĩa chính là ở chỗ không có một thế lực hay lực lượng nào lãnh đạo mà là hoàn toàn tự phát với một tình yêu quê hương đất nước vô bờ bến, quân đội xây dựng nhưng không phải nằm trong thành lũy, đồn bốt mà được cài cắm, chia nhỏ ở các làng bản, thôn, xóm, khi cần hợp tụ để cùng nhau đánh giặc.
- VỀ TÀI NĂNG, PHẨM CHẤT CỦA LƯƠNG VĂN NẮM
4.1. Về xây dựng căn cứ địa, đồn lũy
Trước khi đánh trận ở Đức Lân (Phú Bình- Thái Nguyên), Lương Văn Nắm đã có một thời gian âm thầm, bí mật xây dựng đại bản doanh ở làng Hả.
Giai đoạn đầu ông chủ trương dựa hẳn vào các xóm làng làm căn cứ kháng chiến. Các tướng lĩnh ở đâu về đấy tự củng cố xây dựng xóm làng mình. Ngoài ra ông còn cử các tướng lĩnh tăng cường vào các vị trí xung yếu ở trong vùng, nơi kẻ địch có thể qua. Mô tả việc xuất hiện các làng chiến đấu ở Yên Thế, một tài liệu của pháp đã viết: Từ lâu, cư dân vùng Yên Thế đã phải tổ chức phòng vệ làng xóm của họ để chống lại những cuộc xâm chiếm luôn luôn xẩy ra. Phần lớn các làng xóm đều được bao bọc bởi một lũy tre dày có hai hoặc ba lớp rào tre và tường đất. Giũa hai hàng rào tre là những ao sâu chạy liên tiếp. Những đoạn đường nhỏ hẹp, quanh co chỉ vừa rộng cho một con trâu đi lọt, chia làng ra thành nhiều khu vực nhỏ hẹp, riêng biệt tạo thành những ổ đề kháng. Để đi vào trong làng chỉ có hai hoặc ba cổng, có ụ đất che chắn phía trước, có một lũy đất khúc khuỷu đặt nhiều ổ bắn. Đồng thời cũng bố trí những đường rút lui an toàn, bí mật chỉ có dân làng mới biết.
Có những làng đặc biệt hơn, như làng Sặt có những lối đi ngầm được cây cối che lấp, những hầm ngầm dưới đất, những cái hang khoét vào chân tường hay ở ngay dưới nền nhà. Làng Cao thượng tựa lưng vào sườn đồi yên ngựa, làng hòa lẫn vào các lùm cây rậm rạp, khó tìm lối vào, có những ngôi nhà liên lạc với làng bằng một con đường nhỏ hẹp…Những ngôi nhà có thể chỉ huy lẫn nhau, có khả năng phòng thủ mạnh. Còn ở Khê Hạ thì hệ thống hầm hào có khả năng phòng thủ tách riêng như một hòn đảo ở phía tây Nam làng.
Bản thân Lương Văn Nắm, nay là thủ lĩnh tổng chỉ huy nhưng vẫn đóng quân ở làng Hả. Ông cho xây dựng nơi ở của mình thành căn cứ chiến đấu vững chắc và gắn liền với những địa danh lịch sử còn tồn tại đến ngày nay như Bãi quần ngựa, Bãi Hậu, Só Bia…xung quanh là các căn cứ hỗ trợ, bảo vệ,
Theo tư liệu điều tra, điền dã trong thời gian (1995-1996) của tác giả Ngô Sĩ Lực, trưởng phòng VHTT-TT huyện Tân Yên (1989-2009), tại một số dấu tích căn cứ địa của Đề Nắm ở các xóm Quyên, xóm Khùa và đặc biệt là ở làng Thị, xã Tân Trung thì: trong đồn lũy ở làng Thị, ta thấy có đầy đủ các khu riêng biệt, xứng đáng là một đại bản doanh cho một cuộc chiến đấu lâu dài. Trong bản doanh có khu công binh xưởng rèn đúc vũ khí, khu dự trữ lương thảo, khu quân trang, nhằn, nhà thuốc, khu hội họp bàn đại sự, khu tiếp khách và đặc biệt có cả khu tư gia của vợ con một số tướng lĩnh.
Khi nhận thấy đại bản doanh có thể đã bị lộ, ông bí mật cho di chuyển sang địa điểm khác bằng một hệ thống hầm giao thông hết sức bí mật và hiểm trở vào tận rừng sâu. Từ dấu tích đồn lũy xưa, mặc dù cảnh quan, địa hình, địa vật đã thay đổi nhiều do sự bào mòn của thời gian và con người hơn một trăm năm qua, nhưng ta vẫn cảm nhận được và cảm phục về con mắt tinh tường, về tầm nhìn xa trông rộng của vị thủ lĩnh. Tại bản doanh Làng Hả, Làng Thị phóng tầm mắt nhìn về các hướng sẽ hiểu ra: phía Bắc là khu Phồn Xương, phía Đông là Bố Hạ, nam là Làng Sặt- Liên Sơn, Cao Thượng, xa xa là Phủ Lạng Thương, phía Tây là Nhã Nam, Tây Nam là vùng Vân Cầu, núi Đót và mờ mờ xa là Phúc Yên- Tam Đảo…Tất cả các địa danh trên sau này đều trở thành nổi tiếng cùng với các chiến công của nghĩa quân Yên Thế. Và ta có một cảm nhận tại chỗ là trên một trăm năm trước nơi đây là vô cùng hiểm trở, người ngoài sẽ rất khó vào được bản doanh, còn khi triển khai tác chiến sẽ rất tiện lợi liên kết các cứ điểm khác, Điều này nhiều tài liệu của các tướng Pháp đã phải thán phục khi viết những trang, dòng về khởi nghĩa Yên Thế và cuộc chiến ở Đông Dương.
Với cách tổ chức bố phòng linh hoạt như vậy, nghĩa quân Yên Thế đã chôn vùi bao xác quân xâm lược trên những chiến lũy nổi tiếng của mình.
Sau những trận đánh tại các làng chiến đấu, Lương Văn Nắm đã cho nghĩa quân rút lui lên vùng Hữu Thượng để xây dựng các căn cứ mới, như căn cứ Khám Nghè, Hố Chuối. Ngoài ra, vẫn cho củng cố tiếp các làng chiến đấu như Lèo, Mạc, Thuông, Dĩnh Thép…thành những cứ điểm vững chắc, Đại bản doanh đặt tại Bản Nghè do Thống Nắm và Thống sặt đóng giữ, xung quanh có các đồn lũy bảo vệ. Tiền dinh là Đề Dương (tức Đề Thám) và lãnh Phước; trung dinh là Đề Trung (hay Đề Huế), hậu dinh là Đề Hậu (hay Đề Truật). Tại các căn cứ này đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt, điển hình là bốn cuộc chiến đấu ở đồn Hố Chuối vào cuối năm 1890, đầu năm 1891, dưới sự chỉ huy của Đề Dương (tức Đề Thám), nghĩa quân đã giáng cho cho bọn thực dân Pháp những đòn chí tử, làm chúng thất bại nặng nề.
Sau những trận đánh lớn ở Hố Chuối, Đề Nắm còn tiếp tục cho củng cố và xây dựng thêm nhiều đồn lũy mới ở phía Bắc căn cưa Hố Chuối. Trận địa bao gồm một lũy tuyến phòng thủ hình chữ Chi kéo dài từ Đông Nam sang Tây Bắc, dài tới gần ba cây số, nằm dọc theo hai bên bờ sông Sỏi và lấy dãy núi Cai Kình làm chỗ dựa. Ở đây, ta thấy nổi bật lên một số căn cứ đồn lũy chính. Riêng Đề Nắm vẫn đóng giữ ở Khám Nghè bên bờ tả sông Sỏi, nay thuộc xã Đồng Vương. Đồn Đề Lâm và Đề Trung đối diện với đồn Đề Nắm bên bờ hữu sông Sỏi, nay thuộc xã Phồn Xương. Đồn Đề Hậu nằm ở phía Bắc đồn chính cũng thuộc xã Đồng Vương. Đồn Đề Dương (Đề Thám) đóng ở rừng thuộc làng Hom, nay thuộc xã Tam Hiệp. Đồn Tổng Tài nằm ở trước đền Cô Xuống, gọi là đồn Hang Sọ, nay thuộc xã Tam Hiệp. Đồn Bá Phức nằm ở gần Mỏ Trạng thuộc xã Canh Nậu. Ngoài ra còn nhiều pháo đài, đồn lũy nằm trên các đồi cao rải rác xung quanh. Các đồn đều xây dựng quy mô kiên cố bằng đất, có tường lũy bao bọc vững chãi, lại có thiên nhiên che chở, khiến cho bọn thực dân phải thừa nhận một sự thật: “Đề Nắm tổ chức vùng Yên Thế và lập ra ở đấy những pháo đài thật sự” (Lịch sử quân sự Đông Dương- HN-1922).
Trên lũy tuyến này, đã chứng kiến những trận chiến đấu oanh liệt giữa nghĩa quân với bọn Pháp. Lớn nhất phải kể đến chiến dịch chống càn quét hồi tháng 3/1892 của bọn thực dân Pháp do tướng Voa-rông chỉ huy. Nghĩa quân đã chiến đấu dẻo dai suốt nửa tháng trời, đánh lui nhiều đợt tiến công lớn của địch, tiêu biểu như các trận đánh ở làng Hom, Khám Nghè, đòn Bá Phức…làm cho kẻ địch chịu nhiều tổn thất to lớn. Đồng thời qua đó cũng khẳng định rõ tài thao lược, đườngv lối chiến lược, chiến thuật của Lương Văn Nắm trong quá trình lãnh đạo phong trào. Ông đã cùng với các tướng lĩnh, nghĩa quân anh dũng xông pha trong chiến trận để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân. Truyền thuyết dân gian trong vùng kể lại rằng: Đề Nắm đánh nhau với Pháp nhiều trận, có lần ông bài binh bố trận ngay giữa cánh đồng. Sau trận chiến đấu, mặt mày ông sạm một màu thuốc súng, quần áo thì rách bươm mà không một viên đạn nào của địch dính được vào người, bởi vì ông có viên ngọc kỵ đạn.
4.2.Về xây dựng lực lượng và chuẩn bị hậu cần
Cùng với xây dựng căn cứ địa, Đề Nắm hết sức chú trọng xây dựng lực lượng nghĩa quân, bao gồm: Quân trực tiếp chiến đấu (chừng 400-500 tay súng), quân thường trực bảo vệ bản doanh và quân tăng gia sản xuất, tích trữ lương thực.Ngoài ra, còn có cơ sở sửa chữa và sản xuất vũ khí.
Lực lượng trực tiếp chiến đấu đóng chiếm tập trung dưới quyền chỉ huy, huấn luyện của Đề Nắm. Trong số 400-500 quân trực tiếp chiến đấu chỉ có khoảng 60 người là thường trực tại bản doanh, còn lại là dân đinh trong vùng, hễ có lệnh là tập hợp ngay.
Về vũ khí, đạn dược thì ngoài một số súng thần công, nghĩa quân còn dùng nhiều loại súng trường, kiếm và mã tấu. Chỉ trừ súng đạn phải mua của nước ngoài, còn những vũ khí thô sơ của nghĩa quân đều do các cơ sở trong vùng sản xuất, cung cấp.
Đề Nắm rất coi trọng việc rèn luyện kỹ thuật tác chiến cho nghĩa quân như kỹ thuật bắn súng, đánh võ, đấu gươm,cưỡi ngựa. Ở các khu vực đồn lũy đều có thao trường, bãi tập. Vào trước cái buổi tập, Đề Nắm đều cho người trèo lên cây cao gọi loa về các hướng” Giờ luyện quân cấm mọi người dân không ai được qua lại vùng này. Ai không tuân sẽ bị chém đầu !”
Về tăng gia sản xuất, Đề Nắm dùng chính sách “thực túc binh cường”, “ngụ binh ư nông”. Ông giao cho số lính tăng gia sản xuất định mức phải nộp, nếu sản xuất ở nhà thì đến hạn cũng phải nộp đủ số quân lương định mức.
4.3. Về tài năng quân sự nổi bật của Lương Văn Nắm
- Chuẩn bị tốt về lực lượng, cơ sở vật chất và tinh thần nghĩa quân
Về sự kiện Lương Văn Nắm dựng cờ khởi nghĩa, hầu như các sách và tư liệu đều chỉ ghi những dòng vắn tắt như sau: “
Nếu chỉ dừng ở những dòng mô tả trên, ta rất dễ đồng nhất sự kiện Lương Văn Nắm dựng cờ khởi nghĩa cũng không khác là mấy so với các cuộc dựng cờ của các nhóm khác đã nêu ở trên. Thực tế sự kiện Lương Văn Nắm dựng cờ khởi nghĩa khác về chất và ở một tầm cao hơn hẳn, chỉ có như vậy thì mới đủ sức thu phục các vị thủ lĩnh trong vùng mang quân về tụ nghĩa dưới ngọn cờ của Lương Văn Nắm. Sự khác biệt thể hiện ở chỗ: Nếu như phần lớn các cuộc dấy binh khác đều ở trạng thái bị động, tự phát hoặc bất chợt khi thời cơ đến, dễ hợp và cũng dễ tan, thì khởi nghĩa Lương Văn Nắm là nằm trong một kế hoạch và có sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng ở tất cả các mặt: Xây dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng, chuẩn bị binh lương và trinh sát tình hình địch
- Khả năng tập hợp lực lượng, trọng dụng nhân tài để tăng cường sức mạnh và hiệu quả chiến đấu.
Năm 1884 nổi lên 2 nhóm chính ở Yên Thế, đó là nhóm của Đề Nắm, Đề Sặt ở Thế Lộc và nhóm của Thông Luận, Thống Ngò, Tạ Văn Công ở Vân Cầu. Ngay sau trận đánh ở Đức Lân và Vân cầu, tại lễ tế cờ phát động khởi nghĩa ở Đình Hả, ngoài Đề Nắm, Đề Sặt, Đề Trần còn có Thống Luận, Thống ngò, Thông Tài…Ngay từ đầu, dưới sự lãnh đạo của Lương Văn Nắm, cuộc khởi nghĩa đã thu hút được phần lớn các thủ lĩnh là người địa phương. Cũng ở thời điểm này, có nhiều người đã chọn Yên Thế hay Tam Đảo làm hậu cứ. Đề Nắm chọn Yên Thế và kết quả tất yếu là hệ thống đồn lũy ra đời tại Yên Thế ngay sau đó. Với uy thế của Lương Văn Nắm, ông có đủ sức hút để lôi cuốn các tướng lĩnh trong vùng.
Tại thời điểm này, Yên Thế chưa phải là vùng đất sôi động và chưa tập trung được nhiều hổ tướng. Hoàng Hoa Thám (quê Hưng Yên) năm 1884 đang gia nhập nghĩa binh của Trần Quang Loan, lãnh binh Bắc Ninh, năm 1885 đang đầu quân dưới trướng Hoàng Đình Kình ở Lạng Giang. Sau khi Cai Kình chết, Hoàng Hoa Thám và một số tướng lĩnh khác đến Yên Thế gia nhập nghĩa quân của Đế Nắm. Yên Thế từ đó bước vào thời kỳ sôi động. Đây cũng là thời kỳ vùng Yên Thế dồn tụ nhiều toán nghĩa quân nhất.Ngoài lực lượng của Đề Công, Đề Nguyên ở Tam Đảo mới trở lại, còn có một số toán nghĩa quân ở Bãi Sậy lên, toán Cai Biều-Tổng Biểu cũng áp dần đến sông Thương. Tình thế mới đã gây nên nhiều xáo trộn trong chỉ đạo, làm xuất lộ những mầm mống về sự xô xát và bất hòa ở một số khu vực và một số thủ lĩnh.
Việc thống nhất lực lượng và sự chỉ đạo vào chung ngọn cờ Cần Vương do Bá Phức đang nắm giũ đã trở nên hết sức cấp thiết. Thân Bá Phức (1822 – 1898) hay còn gọi là Bá Phức là thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương. Ông sinh trưởng trong một gia đình danh gia vọng tộc tại thôn Làng Trũng, xã Ngọc Nham, tổng Ngọc Cục, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh. Ông nội ông là Thân Bá Chỉnh và cha là Thân Bá Nghị đều làm Cai tổng Ngọc Cục. Đề Thám hồi bé có cùng họ hàng lưu lạc đến Vân Cầu, được ông Nghị đón về làm đầy tớ trong nhà. Phức liền nhận Thám làm con nuôi, dựng vợ rồi dẫn dắt làm nhiều việc nghĩa.
Vào ngày Rằm tháng Bảy năm Mậu Tý (22-8-1888) các thủ lĩnh và nghĩa quân đã tập hợp ở đình làng Dĩnh Thép để họp đại hội, cử ra một bộ chỉ huy tối cao. Đại hội nhất trí cử:
- Chánh tướng, tổng thống quân vụ: Bá Phức.
- Phó tướng, tả dực tướng quân, phụ trách hậu cần, quân nhu: Đề Nắm.
- Phó tướng, Hữu dực tướng quân, phụ trách quân đội: Đề Thám.
Tuy Bá Phức là người đứng đầu, nhưng từ đầu đến cuối, tư tưởng con người này muốn lui về vùng Tam Đảo, nên vai trò, ảnh hưởng rất mờ nhạt. Thực tế, từ 1988 đến 1892, Đề Nắm và Đề Thám là hai người giữ vai trò chủ chốt, là linh hồn của khởi nghĩa nông dân Yên Thế, trong đó do là người địa phương, dày dạn kinh nghiệm trận mạc, Đề Nắm có vai trò nổi bật hơn.
Đại hội Dĩnh Thép tháng 8 năm 1888 đã đánh dấu bước chuyển biến về chất của phong trào Yên Thế: từ tính chất nông dân tự phát chuyển sang ý thức hệ phong kiến yêu nước, giàu lòng tự tôn dân tộc. Nhờ đó, nghĩa quân Yên Thế đã có thêm sức bật quyết định. “Họ tiếp tục tấn công vào đồn binh Bỉ Nội, Kép (25-9-1888), Úc Sơn (10-12), Lạn Tràng (16-12). Lại có cả một binh sĩ Pháp tên là Pellet, lính thợ công binh” cũng gia nhập vào hàng ngũ của nghĩa quân. Chính vì lẽ lớn đó, Đề Nắm đã tự nguyện dừng bước trước hệ tư tưởng cũ, chấp nhận đánh đổi vai trò chủ soái của mình để giữ vị trí phó tướng, Tả dực tướng quân để phong trào Yên Thế ngày càng lớn mạnh hơn. Tuy vậy, cho đến năm 1892, khi Đề Nắm bị tên phản bội Đề Sặt hãm hại, thì năm 1894, người lên ngôi vị chánh tướng là Đề Thám, chứ không phải là Bá Phức. Bá Phức đã ra đầu hàng Pháp vào đầu năm 1894.
1) Tài tổ chức xây dựng cơ sở đồn lũy, pháo đài chiến đấu và các làng chiến đấu.
Từ hệ thống bản doanh ở Làng Hả, Làng Thị mở rộng lên miền Thượng Yên Thế, đó là hệ thống đồn lũy liên hoàn ở Phồn Xương, Khám Nghè, hay còn gọi là đồn Đề Nắm. Tiếp theo, năm 1886, ông chỉ đạo xây dựng hệ thống đồn ở vùng thấp, sát men ngòi Sặt có tên chung là đồn Hố Chuối mà thực dân Pháp kinh sợ gọi là “Đồn Tử Thần”. Hố Chuối là một hệ thống đồn bốt nằm trong thung lũng rậm rạp, được các ngọn đồi xung quanh che chở. Đồn được xây dựng năm 1886. Đồn chính hình chữ nhật, có 4 pháo đài, được một lớp chông tre bảo vệ chung quanh rộng 40m với nhiều hầm chông, hố sập. Suối Gồ là con hào lớn cũng cắm đầy chông. cách đồn chính chừng 100m là pháo đài Bắc và pháo đài Nam. Pháo đài Bắc chu vi 300m, pháo đài Nam chứa được 50 người. Do số lượng những công trình phòng ngự và những chướng ngại chồng chất, làm cho Hố Chuối là một công sự vô cùng hùng mạnh.
Cùng với hệ thống cứ điểm Phồn Xương, Khám Nghè, Đề Nắm còn cho xây dựng ở Yên Thế Hạ đồn Cao Thượng. Đồn này được xây dựng trên một quả đồi có độ cao trên 100m, nằm chắn giữa ngã ba đường từ Phủ Lạng Thương lên Yên Thế, từ Bắc Ninh qua Sen Hồ lên Yên Thế và từ Hiệp Hòa lên Yên thế. Nét bao quát chung trong quan điểm xây dựng đồn lũy của Đề Nắm là phát huy tối đa lợi thế của địa hình, địa vật, sự hiểm trở của núi rừng Yên Thế,phù hợp với lối đánh du kích, lấy ít đánh nhiều. Thứ hai là tạo ra được thế liên hoàn, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đồn lũy, có đường tiến thoái hỗ trợ giữa đồn lũy và các làng chiến đấu trong vùng.
4.4.Tài năng chỉ đạo tác chiến
Ngay từ trận ra quân đầu tiên đánh địch ở Đức Lân, Lương Văn Nắm đã bộc lộ một khả năng chỉ huy tác chiến khôn khéo và đầy bản lĩnh, đó là: Biết rõ tương quan địch và ta, tạo yếu tố bất ngờ nên ít sẽ thắng được nhiều, biết kết thúc trận đánh đúng lúc để bảo toàn lực lượng, biết khuếch trương chiến thắng đúng lúc để làm nức lòng nghĩa quân và thu phục các thủ lĩnh khác. Xét cho cùng ý nghĩa cao nhất của trận thắng Đức Lân không nhằm tiêu hao sinh lực địch mà nó chỉ như phép thử kiểm tra khả năng tác chiến của nghĩa quân và là phát súng thần công tinh thần cùng với loạt đạn thần công trong buổi lễ tế cờ đầy hào khí, xứng tầm với một lễ tế cờ mở đầu cho cuộc kháng chiến oai hùng của núi rừng Yên Thế. Đó chính là sự khác biệt về tầm nhìn chiến lược của Đề Nắm với các thủ lĩnh khác.
Chỉ phân tích một loạt trận đánh vào cuối 1890 để thấy tài thao lược của Đề Nắm.
Sau thất bại ở trận Đức Lân, trung tướng Brie đơ Lin Lơ cay cú và xấu hổ, nên đã xây dựng một kế hoạch tiêu diệt các cụm cứ điểm của Đề Nắm để đánh chiếm Yên Thế. Cuối 1890, đầu năm 1891, chúng mở 4 cuộc tấn công vào Hố Chuối, chúng cho rằng đây là cứ điểm then chốt nhất. Kế hoạch đánh Hố Chuối do trung tướng Brie đơ Lin Lơ chỉ huy và giao cho thiếu tướng Gô-đanh trược tiếp lên phương án đánh chiếm Hố Chuối. Gô-đanh cho rằng, Hố Chuối là cứ điểm mạnh, muốn đánh Hố Chuối phải dùng kế “Dương Đông kích Tây”. Kế của Gô- đanh như sau: Dùng một lực lượng mạnh chiếm Pháo đài Cao Thượng mở đường vào Hố Chuối.. Nếu đồn Cao Thượng bị đánh, cánh cửa sắt này được mở thì Hố Chuối sẽ bị đe dọa, như thế sẽ lừa được Đề Nắm điều động quân về Cao Thượng, lực lượng nghĩa quân ở Hố Chuối sẽ bị dàn mỏng. Sau khi Đề Nắm tập trung quân về Cao Thượng lúc ấy sẽ bố trí cánh quân thứ hai từ Bố Hạ tiến binh chiếm Hố Chuối theo con đường qua Luộc Hạ- do đại úy Tê-Ta chỉ huy151 lính, bốn sơn pháo và pháo hạm Mu-Lông trên sông Thương yểm hộ. Hướng thứ hai do Gô-Đanh chỉ huy cùng thiếu tá Bờ Bây liê, gồm 213 lính và đội quân phối hợp từ Thái Nguyên kéo xuống. Với phương án bố trí như vậy.Gô Đanh sẽ đánh lừa Đề Nắm, làm cho Đề Nắm tưởng mặt chính của Gô Đanh lầ ở pháo đài Cao thượng.
Đề Nắm trình các tướng lĩnh bàn kế hoạch đánh Pháp. Cuộc họp này Đề Nắm và các tướng lĩnh đã phán đoán được âm mưu và kế hoạch “điệu hổ ly sơn” của Pháp nên đã xây dựng một chiến thuạt với sự bài binh bố trận như sau:
- Thứ nhất là chốt giữ đồn Cao Thượng;
- Thứ hai, phải đánh chặn pháo hạm Pháp từ sông Thương; – Thứ ba, tấp trung lực lượng bảo vệ Hố Chuối.
Ngày 6-11-1890, Đề Nắm phân công Để Thám chốt giữ đòn Cao Thượng, kìm chân Pháp, với cách đánh mạo hiểm và thần tốc.
Khi thiếu tướng Gô-Đanh và thiếu tướng Bờ- Bây- Lie dẫn đạo quân Bắc Ninh 213 lính cùng sơn pháo vào Cao Thượng, chưa kịp triển khai thì đã bị quân của Đề Thám đánh phủ đầu, làm cho binhlinhs Pháp bất ngờ, không kịp phản ứng kịp, chết và bị thương như ngả rạ. Tướng Gô-Đanh buộc phải điều thêm 100 quân do đại úy Dan Van đánh thẳng vào làng Cao Thượng mong tiếp ứng cho đội quân của thiếu tướng Bờ- Bây- Lie, nhưng chưa vào tới làng đã bị nghĩa quân đón đánh tơi bời, buộc chúng phải tháo chạy.
Theo kế hoạch của Đề Nắm, Đề Thám chỉ kìm chân giặc một ngày ở Cao thượng rổi rút lui, tập trung lực lượng về Hố Chuối. Thiếu tướng Liê sau khi củng cố lại lực lượng, tiếp tục tấn công đồn. Liê cho bắn 50 quả đại bác, tiếp theo nã pháo như mưa vào làng Cao Thượng và đồn Cao Thượng. Không thấy nghĩa quân phản ứng gì, chúng nghĩ là Đề Thám đã thất bại nên cho quân tiến vào chiếm đồn Cao Thượng. Nhưng thật bất ngờ, đồn trống không, không thấy bóng và xác nghĩa quân. Trận đánh lớn của tướng Gô-Đanh đã rơi vào chỗ không người.
Cùng thời điểm 6-11-1890, trên sông Thương pháo hạm Mu-Loong bị nghĩa quân do Đề Nắm chỉ huy chặn đánh, địch không tiến lên được. Mãi sau, quân tiếp viện do hai thiếu tướng Bờ- Bây- Lie và Tan-Ta mới đến giải vây để rút lui.
Sau thất bại ở Hố Chuối lần thứ nhất, Gô Đanh tiếp tục vạch kê hoạch và tổ chức 3 trận nữa vào tháng 12-1890, với số quân đông hơn, tướng lĩnh nhiều hơn cùng tổng lực các loại vũ khí hòng đè bẹp nghĩa quân Đề Nắm, nhưng chúng đều thất bại.
- VỀ CÁI CHẾT CỦA LƯƠNG VĂN NẮM
Thủ lĩnh đầu tiên của phong trào khởi nghĩa Yên Thế Lương Văn Nắm đã mất vào ngày 11 tháng 4 năm 1892. Đó là điều đã được tất cả các tư liệu đưa tin và nghiên cứu về Khởi nghĩa Yên Thế khẳng định. Nhưng nguyên nhân và những tình tiết về cái chết của ông thì có nhiều đánh giá khác nhau theo hướng: bị kiết lỵ, bị đầu độc, bị ám sát. Ở đây, chỉ đưa ra thông tin được đa số tác giả cho là đúng sự thật nhất, đó là thủ lĩnh Lương Văn Nắm bị đầu độc.
Đề Sặt (hayThống Sặt, tức Đỗ Văn Hùng), nguyên là bạn tâm giao, chiến hữu là anh vợ từ thuở trước khởi nghĩa của Lương Văn Nắm. Thời kỳ đầu khởi nghĩa, Đề Sặt từng là một tướng lĩnh tài giỏi của nghĩa quân, sát cánh cùng Lương Văn Nắm và đóng góp tich cực trong nhiều trận đánh lớn. Nhưng những trận càn quét lớn của Pháp vào Yên Thế trong thời gia cuối 1891 đến tháng 3 năm 1892 đã làm cho Đề Sặt hoang mang, dao động, khi thấy nhiều tướng lĩnh ra hàng hoặc bỏ chạy sang Thái Nguyên.
Vào dịp tết Hàn thực mùng 3 tháng 3 âm lịch năm Mậu Thìn, tức ngày 11 tháng 4 năm 1892, tại căn cứ Khám Nghè vừa bị giặc tàn phá, Đề Sặt đã mời Thống Nắm đến dự bữa cơm thân mật. Đề Sặt đã cho thuốc độc vào bát chè kho mời Thống Nắm ăn. Thống Nắm ăn xong về đến nhà nửa đêm thì chết. Ngày 124-1892, Đề Sặt đã đến quy hàng đại úy Brôđiê, chỉ huy đồn Cao Thượng, dẫn theo 50 đồ đảng, trong đó có nhiều chỉ huy và nộp 48 súng, trong đó có 35 khẩu bắn nhanh, cầu xin được tha tội rời cuộc chiến về quê “để chấn hưng lại làng Sặt gốc gác” của hắn.
Động cơ của việc Đề Sặt sát hại thủ lĩnh Lương Văn Nắm cũng có những phân tích theo 2 hướng khác nhau:
- Vì lòng ghen ghét, đố kỵ, muốn ám hại để tranh ngôi chủ tướng.
- Vì sợ hãi, bạc nhược muốn ra hàng, Đề Sặt giết thủ lĩnh Đề Nấm để làm lễ dâng lên giặc Pháp khi đầu hàng, xin về quê.
Việc Đề Sặt sát hại thủ lĩnh Lương Văn Nắm để lập công ra hàng Pháp đã ảnh hưởng khá lớn đến quyết tâm của nghĩa quân đang cầm súng chiến đấu, một số tướng lĩnh và nghĩa quân từ bỏ cuộc chiến, không tham gia nữa, một số thì đầu hàng, lực lượng nghĩa quân ngày một suy yếu dần. Tính chung chỉ trong hai tháng 4 và 5-1893, nghĩa quân Yên Thế vợi đi 193 tay súng, nhiều thủ lĩnh cùng 144 khẩu súng và hàng ngàn viên đạn các loại đã bị những kẻ đầu hàng nộp cho địch. Tình hình tan rã này còn kéo dài đến hết tháng 8-1894.
Riêng Đề Thám thì không hề nao núng. Ông làm mọi cách để chấn chỉnh lại quân sĩ, cử người đi các nơi, chiêu mộ trai tráng lên luyện tập. Khi tình hình đã tạm ổn, điều đầu tiên mà Đề Thám nghĩ đến là bắt Đề Sặt phải đền tội để làm gương cho kẻ khác, củng cố lại niềm tin đối với quân sĩ và nhất là lấy lại thanh thế của nghĩa quân. Dân trong vùng kể rằng: từ ngày ra hàng Pháp trở về quê, Đề Sặt rất ít ra ngoài, đi đâu phải có người bảo vệ xung quanh, nơi ở được rào dậu kín đáo và có lính canh cẩn mật. Vào một đêm, nhân lúc người nhà Đề Sặt đi xem chèo, ở nhà chỉ có hai vợ chồng Đề Sặt, Đề Thám cho người bắt được Đề Sặt trói lại và tuyên án trạng của hắn rồi giải đi về Bằng Cục. Ngày 28-11-1892 Đề Thám cho thi hành lệnh hành quyết tên phản bội Đề Sặt (Đỗ Văn Hùng) để trả thù cho chủ tướng Lương Văn Nắm. Đến ngày 19-12-2012, Đề Thám, tức Hoàng Hoa Thám, tổ chức lễ tế cờ ở đình Làng Quỳnh Đông (Việt Yên), chính thức lên thay Lương Văn Nắm, làm thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế, bắt đầu cho giai đoạn 2 kéo dài trong hơn 20 năm của Khởi nghĩa Yên Thế để rồi cũng có kết cục thảm hại gần giống như giai đoạn 1: vào ngày 10 tháng 2 năm 1913, Đề Thám bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồm 2 km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.
Về mộ phần của Lương Văn Nắm, thì gia đình sợ bon Pháp tìm thấy mộ sẽ khai quật, phá hủy (nơi đây cách đồn Luộc Hạ không xa), lễ tang ông được tổ chức vào ban đêm. Thi hài ông được an táng tại một cánh bãi có tên là bãi Hiệu ở xóm Quyên, làng Hả. Sau khi chôn cất xong, mặt đất được san phẳng, lát cỏ trở lại như cũ, không đắp nấm.
Địa điểm ấy chỉ được truyền lại cho trưởng nam của các đời thờ cúng mà thôi. Vì thế, đến đời Lương Văn Hòe (đời thứ năm), ông còn nhớ rõ, hàng năm vào ngày giỗ, tết vẫn ra thắp hương.Ông Hòe còn dẫm chân để nghe tiếng kêu mà nhận ra nơi có mộ. Nhưng đáng tiếc trong một lần đi làm ăn xa, không biết ở quê nhà UBND xã lại chọn địa điểm ấy để xây dựng trạm xá xã, đến khi ông về, tất cả đã bị san ủi và xây thành nhà. Đến bây giờ không biết được chính xác vị trí mộ cụ nữa, chỉ biết rằng mộ cụ nằm ở khu vực trạm xá xã hiện nay mà thôi.
VI, TÔN VINH THỦ LĨNH LƯƠNG VĂN NẮM
Đến đây, chúng ta đã có những nhận thức cơ bản về phẩm chất và tài năng của một chân tướng quân, một lãnh tụ xuất sắc của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Ông được nhân dân kính phục, yêu mến, gọi ông là “Gói” thay cho tên tục là “Nắm” và lưu truyền câu “Đại Hả-con cả của trời”, tôn ông là thành hoàng làng. Các tướng lĩnh không chỉ ở Yên Thế, mà các sĩ phu ở nơi xa, vùng xa cũng tụ nghĩa về đứng dưới lá cờ của ông. Các tướng sĩ, nghĩa quân trao tặng ông danh hiệu “đại tướng quân”, gọi thân mật là “Đại Nắm” hay “Đại Hả”.
Sau khi thủ lĩnh Lương Văn Nắm hy sinh, tranh thủ thời gian hòa hoãn với quân Pháp (1894), Hoàng Hoa Thám và nghĩa binh Yên Thế cùng dân làng Thế Lộc xây dựng lại Đình Hả, đưa bài vị Lương Văn Nắm vào thờ và tôn ông là vị thành hoàng làng, Nhân dân còn tạc tượng Lương Văn Nắm đặt ở gian chính và treo đôi câu đối:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử lưu thử đan tâm, chiếu đãn thanh (Hỏi xưa nay có ai không chết
Hãy để lòng son chiếu sử xanh )
Năm 1994 di tích đình, chùa Hả được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Năm 2012, đình Hả là một trong 23 điểm thuộc hệ thống những điểm di tích Khởi nghĩa Yên Thế được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Hàng năm, vào ngày 15, 16 tháng giêng âm lịch, nhân dân lại tổ chức lễ hội long trọng để tưởng nhớ công lao của ông và các nghĩa sĩ đã hi sinh.
Tại thành phố Bắc Giang đã có tuyến đường mang tên Đề Nắm nối từ đường Giáp Hải sang dường Lê Lợi. Tại thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, có quảng trường mang tên Lương Văn Nắm
Tháng 3 năm 2014, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội thảo khoa học “vai trò của thủ lĩnh Lương Văn Nắm với cuộc khởi nghĩa Yên Thế”, với 3 mục tiêu:
- Nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về thân thế, sự nghiệp của thủ lĩnh
Lương Văn Nắm và các nghĩa sĩ của ông trong giai đoạn đầu của cuộc khởi
nghĩa Yên Thế.
- Đánh giá, khẳng định vai trò của thủ lĩnh Lương Văn Nắm với cuộc khởi nghĩa Yên Thế nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung, bảo tồn các giá trị di sản về thủ lĩnh Lương Văn Nắm và vai trò của ông trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế,
- Đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác, phát huy tinh thần yêu nước, giá trị di tích liên quan đến thủ lĩnh Lương Văn Nắm trong giai đoạn hiện nay.
Trong hội thảo có 21 tham luận được trình bày. Từ nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau, dẫn ra nhiều tư liệu quan trọng, tất cả các tham luận đều khẳng định Lương Văn Nắm là người khởi xướng và là thủ lĩnh đầu tiên của Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913). Các báo cáo đều đưa ra những tài liệu để khẳng định tài năng quân sự đặc biệt của Lương Văn Nắm, đóng góp có tính quyết đinh cho những chiến công hiển hách của nghĩa quân trong 8 năm đầu của cuộc khởi nghĩa (1884-1892), trước lúc ông hi sinh.
VII. HẬU DUỆ CỦA LƯƠNG VĂN NẮM
Theo tài liệu (từ hội thảo 2014) của ông Lương Văn Niệm, trưởng dòng họ Lương tại xã Tân Trung thì:
Sinh thời cụ tổ Lương Văn Kình, tự Phúc Kính, sinh được 5 người con trai: Lương Văn Thứ, Lương Văn Đạo, Lương Văn Yên, Lương Văn Mỵ, Lương Văn Nắm. Lương văn Nắm là con thứ 5 của bà vợ thứ.
Khi cụ Kình mất, Lương Văn Nắm theo mẹ về quê ngoại ở làng Khùa, cách xóm rừng Chàm 500-600m cho đến khi xây dựng gia đình với bà vợ cả là Hà Thị Nhẩy, là em ruột của một ông quan kéo quân từ Thanh Hóa ra đây hoạt động chống giặc cờ đen, Do vậy, Lương Văn Nắm cũng về làng Đanh ở, từ đấy đến đời con cháu bây giờ.
Lương Văn Nắm có ba vợ, nhưng chỉ sinh được 1 con trai là Lương Văn Lộc và 2 người con gái. Lương văn Lộc làm khán thủ (một chức ở trong làng về triều Nguyễn; phụ trách việc tuần phòng và sửa sang đường sá.) nên thường gọi là Khán Lộc. Sau này, Lương Văn Lộc tham gia nghĩa quân và trở thành một chỉ huy tài giỏi dưới quyền Đề Thám.
Đời thứ 3 của chi Lương Văn Nắm
Năm 40 tuổi khán Lộc mới lấy vợ và sinh ra một trai duy nhất là Lương Văn Súy. Lương Văn Súy làm Xã Lộ, nên cũng thường gọi là cụ Xã Lộ.
Đời thứ 4 chi Lương Văn Nắm
Lương Văn Súy sinh được 7 người con: 5 trai, 2 gái, gồm:
Lương Thị Chí, Lương Văn Phú, Lương Văn Trung, Lương Văn Cường (liệt sĩ chống Pháp), Lương Thị Tý, Lương Văn Tư và Lương Văn Lộc (thương binh loại ¼).
Theo ông Hòe kể: thực ra ông Lộc chú ông, khi còn nhỏ tuổi, bố mất về ở với anh cả Lương Văn Phú, ông Phú dặt tên em là Cún. Đến khi ông Phú bị bắt, ông Cún về ở với anh thứ hai Lương Văn Trung. Ông Trung vì không nhớ tên ông nội, mới đổi tên em Cún là Lộc. Đến khi ông Phú về phát hiện chuyện phạm húy như vậy, nhưng vì tên tuổi Lộc đã được ghi vào giấy tờ rồi nên không đổi lại được.
Đời thứ 5 chi Lương Văn Nắm:
Chi trưởng đời thứ 4 Lương Văn Phú thường được gọi là Tổng Phú vì làm Quản Tổng, tổng Yên Lễ (không phải là chánh tổng như một số bài viết). Tuy làm quản tổng nhưng cụ lại có cảm tình với cách mạng: tích cực giúp đỡ, che dấu, bảo vệ phong trào cách mạng ở Tân Trung lúc bấy giờ. Lương Văn Phú được coi là người có ngoại hình rất giống Lương Văn Nắm, nên được lấy làm hình mẫu cho bức tượng Lương Văn Nắm tại đình Hả bây giờ.
Lương văn Phú sinh được ba trai, ba gái: Lương Thị Yên, Lương thị Dũng, Lương Văn Xuân, Lương văn Hòe, Lương Văn Nghĩa, Lương thị Út.
Trưởng Nam Lương Văn Xuân (Liệt sĩ chống Mỹ), người con gái út là
Lương Thị Út, phó chủ nhiệm HTX Tân Trung, huyện ủy viên huyện Tân Yên khóa XV (1988-1990)..
Đời thứ 6 chi Lương Văn Nắm:
Ông Lương Văn Hòe 67 tuổi, hiện nay đang là trưởng chi đời thứ 6,
Đời thứ 7 chi Lương Văn Nắm
Đời thứ 7 của cụ Nắm đã có một cháu trai vào năm 2014 đã 14 tuổi.
Năm chi của dòng họ Lương Văn tại xã Tân Trung, do ông Lương Văn Niệm làm trưởng họ, hiện nay (2014) có 139 hộ với 576 khẩu(tính cả người ở nhà và đi làm ăn xa) chia làm 5 chi sinh sống tập trung tại 2 làng đó là Gia Tiến và Đanh xã Tân Trung, trong đó ở làng Gia có 4 chi và làng Đanh có 1 chi là chi thứ 5 (chi Lương Văn Nắm)
Họ Lương Văn có 4 liệt sĩ chống Pháp, 3 liệt sĩ chống Mỹ, 14 người là thương, bệnh binh.
-Lương Văn Ngoạn sinh năm 1890, là đảng viên ĐCS đầu tiên của xã Tân Trung, từng giữ chúc bái thư đảng ủy xã Tân Trung nhiều khóa liền và được tôn vinh là cán bộ tiền khởi nghĩa.
-Cụ Lương Văn Khắc sớm tham gia cách mạng, từng là Huyện đội trưởng Yên Thế cho đến khi giải phóng, cụ trở về công tác tại địa phương và được vinh danh là cán bộ tiền khởi nghĩa.
-Lương Văn Định, sinh năm 1927, hiện nay là người nhiều tuổi nhât trong họ. Cụ xuất thân trong một gia đình khá giả được ăn học, sớm tham gia cách mạng và được kết nạp vào Đảng năm 1946. Khi tham gia chiến dich Điện biên cụ là cán bộ Trung Đoàn. Sau này chuyển ngành làm Giám đốc nhà máy kính Đáp Cầu hiện nghỉ hưu tại thành phố Bắc Ninh. Hàng năm vào ngày 20 tháng chạp là ngày kị cụ Tổ là cụ Định lại về kể cho con cháu nghe chuyện về các cụ tổ xưa.
Hà Nội, 23-8-2021.
GS.TS. LƯƠNG PHƯƠNG HẬU
(Biên tập trên cơ sở các tư liệu trích dẫn từ một số bài trong 21 báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học “Vai trò của thủ lĩnh Lương Văn Nắm với cuộc khởi nghĩa Yên Thế”, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức vào tháng 3 năm 2014)