LƯƠNG VĂN CAN NGƯỜI VIẾT SÁU CHỮ VÀNG: “BẢO QUỐC TÚY, TUYẾT QUỐC SỈ”

LƯƠNG VĂN CAN NGƯỜI VIẾT SÁU CHỮ VÀNG:

“BẢO QUỐC TÚY, TUYẾT QUỐC SỈ”

 

Lương Văn Can (1854 – 1927) là nhà giáo giàu nghĩa khí, là nhà cách mạng, một trong những người sáng lập ra trường Đông Kinh nghĩa thục. Ông có nhiều tư tưởng tiến bộ về giáo dục và canh tân đời sống mới có giá trị không chỉ đối với đương thời mà còn giá trị đối với ngày nay. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng tôi đăng bài viết “Lương Văn Can người viết sáu chữ vàng: Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ” của Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải trích từ cuốn sách “Nguyễn Hải tuyển tập, tập III, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2022”). Trân trọng giới thiệu bài viết cùng bạn đọc.

Lương Văn can tự là Ôn Như, người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Lương Văn Can sinh năm Giáp Dần, đời Tự Đức thứ 7 (1854).

Xuất thân trong một gia đình nghèo. Thân phụ ông là cụ Lương Văn Tích. Nhà nghèo, cụ phải cho người con cả là Lương Văn Lý đăng lính, rồi cầm cố ít đất vườn, gắng gỏi lắm mới có ít tiền cho hai anh em ông là Lương Văn Can và Lương Văn Lâm đi học chữ Nho. Như chúng ta biết, Nhị Khê là quê Nguyễn Trãi, là đất học, không học chắc khó vượt lên được. Nên cụ Tích mới bấm bụng cho các con đi học lấy ít chữ thánh hiền.

Lương Văn Can cùng em học ngay trong trường làng, do ba cụ Tú cùng dạy. Trong ba cụ Tú thì có cụ Tú Liêm hoạt động chống Pháp, bị bắt, bị tù đày rồi bị chém, tên cụ nổi lên, thành ra nhiều người về sau cứ gọi là trường cụ Tú Liêm. Sau, Lương Văn Can chuyển ra học trường của cụ Nguyễn Huy Đức. Trường này mở tại phố Vũ Thạch (nay là phố Tràng Thi, Hà Nội). Đương thời, trường Vũ Thạch là một trường nổi tiếng vì khí tiết của cụ cử Nguyễn Huy Đức. Vào năm 1873, năm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Tri Phương Tổng quân vụ Bắc Kỳ tuẫn tiết, rồi đến năm 1882, Hà thành về hẳn tay Pháp, bọn quan lại thân Pháp như Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Cao Khải đến mời cụ cử Vũ Thạch làm quan cho Pháp, nhưng cụ đều từ chối. Ngay cả khi được gọi vào diện hạch trước vua Tự Đức, cụ cũng tìm cách cáo quan về nhà. Tiết tháo ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến người học trò đầu lớp của cụ là Lương Văn Can.

Lương Văn Can theo đòi trường quy vào loại sớm. Mười bảy tuổi ông đã vào tam trường thi Hương. Năm Quý Dậu (1873), năm Hà thành tao loạn, dẫn đến cái chết của Nguyễn Tri Phương như đã nói ở trên, nên trường hoãn thi. Năm sau, Lương Văn Can lại ứng thí, ông đã đỗ cử nhân.

Năm ấy Lương Văn Can mới 21 tuổi. Cha mẹ còn cả nên ông mừng lắm. Vì như vậy là các cụ thân sinh được nhìn thấy con phương trưởng. Đến năm Kỷ Mão (1874) triều đình mở kỳ thi Hội ông cũng đã toan lều chõng. Nhưng thân phụ ông, cụ Lương Văn Tích ốm, rồi mất. Thế là ông đành bỏ thi.

Ít lâu sau, gia đình ông chuyển ra Hà Nội sinh sống. Cùng thời gian ấy ông được triều đình Huế bổ làm Giáo thụ phủ Hoài Đức, nhưng ông không nhận. Tiếp theo, ông từ chối luôn cả chức ủy viên Hội đồng thành phố Hà Nội. Gần đây, người trong dòng họ ông tìm được cuốn Lương gia tộc phả do ông tự viết, thì chúng ta mới biết cụ thể hơn là: Ông được mời ra ứng cử, nhưng ông từ chối, chứ không phải bầu trúng rồi mà ông không nhận. Vì theo hành trạng ông viết trong tộc phả là: “Dẫu có ứng cử ra làm nghị viên thành phố nhưng lúc nghị sự thì quyền thuộc về người Pháp, chứ nghị viên ta chỉ dạ dạ vâng vâng như con trùng ứng thanh thì chẳng được sự ích quốc lợi dân gì, nên bèn từ không làm, ở nhà mà dạy học.”

Đúng là ông đã ở nhà và mở trường dạy học. Ông vào loại trực tính và có phần nóng. Người đương thời kể rằng ông dạy giỏi nên đông học trò. Nhưng phải cái hay quở phạt học trò, thậm chí có lúc đánh. Ngay cả Lương Ngọc Quyến con trai ông còn bị ông vụt thước vào đầu, chỉ vì Lương Ngọc Quyến ham học võ mà chểnh mảng học văn.

Cùng làm nghề dạy học như ông và kết thân với nhau có Đào Nguyên Phổ, Dương Bá Trạc, Nguyễn Quyền. Những người bạn này đã cho ông đọc những sách tân học của các học giả, các nhà văn, các nhà cách mạng phương Tây, phương Đông đã dịch ra tiếng Hán, như Vôn-te, Mông-te-xki-ơ, Rút-xô, rồi Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Lương Văn Can đọc sách và hấp thụ tinh thần dân chủ, nhân quyền bình đẳng, tự do, bác ái rất nhanh. Qua sách báo nước ngoài, ông sáng ra nhiều điều. Người đương thời nói: Ông say mê tư tưởng mới, quyết chí theo đuổi nó đến mức thay cả tâm tính. Từ giao thiệp đến dạy dỗ học trò, ông đều mềm mỏng, biết chờ đợi, biết lắng nghe. Người ta bảo ông thay đổi vậy là nhờ vào sách ốc của những nhà cách mạng dân chủ, dân quyền. Nghe như vậy mới thấy quả sách ốc có sức giáo huấn con người thật lớn lao.

Lương Văn Can không chỉ là thầy giáo dạy chữ, dạy người mà còn biết lấy sự dạy ấy tự hoàn thiện mình để trở thành một nhà sư phạm mẫu mực, có chí hướng tiến bộ, muốn canh tân nền giáo dục đất nước.

Qua sách báo nước ngoài, Lương Văn Can biết bên nước Nhật Bản có ông Phúc Trạch, lập trường Khánh Ưng nghĩa thục. Phúc Trạch nhằm lấy nhà trường này mà giáo hóa lớp trẻ, giúp cho họ mạnh mẽ lên mà làm cách mạng văn hóa, từ đó mà canh tân đất nước. Theo gương Khánh Ưng nghĩa thục, Lương Văn Can đã cùng với bạn bè bàn tính đi đến lập một trường học như thế. Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Dương Bá Trạc, Nguyẽn Hữu Cầu, Hoàng Tăng Bí (thân phụ ông Hoàng Minh Giám nhiều năm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa trong Chính phủ của Cụ Hồ) và một số nhà giáo nữa đã chung tay lập một trường tư thục, đặt tên là Đông Kinh nghĩa thục. Trường đặt ngay tại nhà số 4, Hàng Đào, nhà riêng của Lương Văn Can. Theo sách của nhà văn Nguyễn Công Hoan Nhớ và ghi về Hà Nội thì nhà riêng của Lương Văn Can là nhà số 10. Đấy chính là nơi đặt học đường Đông Kinh nghĩa thục. Ngày nay ngôi nhà ấy không còn. Vì sau đó ít lâu, Pháp đã mở con phố nhỏ, phố Gia Ngư nối liền Hàng Đào sang phố Hàng Bè. Đầu đường gối đúng vào ngôi nhà số 10. Chắc là Nguyễn Công Hoan nhớ đúng. Trường bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 1907. Lương Văn Can là sáng lập viên tích cực, nên được các bạn bè cử làm Thục trưởng (tức Hiệu trưởng). Có sách nói Nguyễn Quyền làm Hiệu trưởng, nhưng không phải. Nguyễn Quyền là người làng Thượng Trì, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ tú tài năm Tân Mão (1891) lên làm Huấn đạo ở Lạng Sơn, sau xin thôi về Hà Nội cùng tham gia dạy học ở Đông Kinh nghĩa thục. Ông là nhân vật thứ hai, sau Lương Văn Can, giữ chức Giám học (như viên thanh tra của nhà trường).

Đông Kinh nghĩa thục của Lương Văn Can là trường học, nhưng hoạt động như một tổ chức cách mạng. Một nhà trường kiểu mới, năng động và rất hợp thời.

Đông Kinh nghĩa thục là trung tâm truyền bá tinh thần yêu nước, tư tưởng canh tân giáo dục, nhằm cái đích mở mang dân trí, dân sinh, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh. Nói như ngày nay chúng ta nói là lấy giáo dục làm quốc sách hàng đầu để đưa đất nước đi lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Và tất nhiên cũng là tiến đến cái đích làm cho dân giàu, nước mạnh…

Lương Văn Can tiếp thu tinh thần dân chủ của các nhà tư tưởng Pháp, Nhật, đặc biệt là của Trung Quốc như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, nên nhà trường của ông cũng hướng đạo theo tinh thần ấy. Trường của ông không giống những trường nho học, bắt học trò ngồi ê a Tam tự kinh theo kiểu gia – nhà, quốc – nước, tiền – trước, hậu – sau… nhưng cũng không giống những trường tân học Pháp – Việt đương thời.

Trường của Lương Văn Can chia làm bốn ban, gồm: Ban Giáo dục, ban này lo việc giảng dạy. Ban Tu thư, ban này lo việc soạn thảo tài liệu, giáo trình, giáo khoa… Ban cổ động, ban này lo việc tuyên truyền cổ súy cho đường lối giáo dục mới của nhà trường. Ban Tài chính lo về kinh tế, kêu gọi lòng hằng tâm, hằng sản, lạc quyên, lạc trợ cho trường. (Ba mươi năm sau, tức năm 1938, khi cụ ứng Hòe Nguyễn Vãn Tố đứng ra lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, cụ đã vận dụng theo mô hình này và Hội đã hoạt động tốt, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo đà cho Nha Bình dân học vụ thuộc Bộ Giáo dục quốc gia của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chiến thắng giặc dốt ngay sau Cách mạng Tháng Tám).

Đầu vào của nhà trường rất rộng: Ai muốn xin vào học đều được. Không phải đóng học phí, được phát giấy bút. Ai nghèo quá còn được tìm chỗ cho trọ học. Chính nhờ thế mà chỉ vừa mở trường, sĩ số học sinh đã vượt con số một nghìn.

Trường áp dụng một phương pháp học rất tiến bộ, như ngoài học chính khóa, còn có đọc sách, đọc báo, có bình văn thơ, diễn thuyết. Kể cả học sinh ai có suy tư gì mới mẻ đều có thể lên đăng đàn.

Rất nhiều sách do các thầy trong nhà trường soạn thảo, không chỉ có giá trị về học thuật mà còn có tác dụng về mặt giáo huấn xã hội, chính trị, như: Văn minh tân học sách, Quốc dân độc bản (sách đọc của quốc dân đồng bào), Nam quốc dã sử (Việc hay nước Nam), Nam quốc vĩ nhân truyện, Nam quốc lược sử, Nam quốc địa dư, Nam quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư…

Ban Tu thư ra được nhiều đầu sách giáo khoa, sách tham khảo và tài liệu bổ ích cho cuộc vận động xây dựng nền văn hóa mới góp phần nâng cao dân trí, dân sinh. Bên cạnh đó, Ban cổ động tuyên truyền của trường cũng hoạt động tích cực, đi sâu tuyên truyền trong tất cả các tầng lớp dân chúng, cả sư sãi, binh lính, kêu gọi binh lính quay súng giết giặc Pháp hoặc làm nội ứng cho những tổ chức yêu nước chống Pháp. Ban cổ động đã cho in rồi viết tay những bài văn truyền khẩu, những bài hát ru, người ta hát truyền đời, cho đến nay vẫn còn có người nhớ. Khi chính quyền bảo hộ cho Ngân hàng Đông Pháp, lưu hành loại tiền bằng sắt, để thu lấy bạc, vàng của dân ta, Đông Kinh nghĩa thục đã phổ biến rộng rãi bài Thiết tiền ca của Nguyễn Phan Lang, một nhà giáo của Đông Kinh nghĩa thục. Bài hát có câu:

Bạc vào đem đổi sắt ra

Bạc kia thu hết, sắt mà là chi!

Lương Văn Can là người tích cực trong việc biên soạn tài liệu phổ cập trong trường cũng như ngoài dân chúng. Ông viết sách Nam quốc địa ca và Bố y thư (Bài ca áo vải – Khuyên dân ta nên dùng hàng nội địa).

Đông Kinh nghĩa thục của Lương Van Can đã thực sự khơi dậy một phong trào vận động cải cách văn hóa có ý nghĩa cách mạng ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Đông Kinh nghĩa thục đã tập hợp được khá nhiều những trí thức yêu nước như: Phan Chu Trinh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Trần Đức, Dương Bá Trạc… đến với trường, ủng hộ trường bằng giảng dạy, diễn thuyết, hoặc soạn tài liệu, viết sách giáo khoa hay giúp đỡ tiền bạc…

Nhắc đến Đông Kinh nghĩa thục, không thể khống nhắc đến người con trai cả của Lương Văn Can, đó là Lương Ngọc Liêu, hiệu là Trúc Đàm, ông đậu cử nhân năm 1903, một trong những người tích cực giúp cha lập Đông Kinh nghĩa thục. Bản thân ông cũng là giáo viên của trường, tham gia khá nổi tiếng. Ồng là người đi diễn thuyết nhiều nơi, nhiều lần để cổ động cho tân học. Một yếu nhân khác cũng có những đóng góp tích cực vào Đông Kinh nghĩa thục của Lương Văn Can là Lê Đại. Ông chính là người dịch Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu chữ Quốc ngữ thành công và bản dịch của ông đã được truyền bá rộng rãi không chỉ trong trường mà còn lan rộng ra ngoài xã hội.

Đông Kinh nghĩa thục ra đời khi mà các nước lớn ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản đã thức tỉnh, đang tìm đường vượt ra khỏi sự đô hộ của đế quốc. Sự trở mình của các nước lớn đã ảnh hưởng đến nước ta, bằng chứng là trong nước những phong trào như Duy tân, Đông du xuất hiện và đều sôi động, cho nên Đông Kinh nghĩa thục được nhiều người yêu nước, nhất là lớp trẻ nhiệt tâm hưởng ứng. Hơn nữa, cũng phải nói rằng Lương Văn Can là con người biết tổ chức, biết tập hợp lực lượng. Nhà trường ngay lập tức đã đưa sự học thành một cuộc vận động, một phong trào. Nhà trường phải chia làm tám lớp, dạy cả ban đêm. Đối tượng vào học đủ cả người lớn, trẻ em, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái. Trường chính đặt tại Hà Nội, nhưng các chi nhánh thì lan ra nhiều tỉnh không chỉ ở Đồng bằng Bắc Bộ mà lan cả vào miền Trung và cực Nam Trung Bộ. Miền Bắc thì có chi nhánh ở Hà Đông, Sơn Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình… rồi vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Vào miền Trung là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận…

Chính Đông Kinh nghĩa thục nổi lên như một phong trào canh tân, thực dân Pháp bị động đối phó, nên cuối năm 1907, chúng vội vã cho lập trường Cao đẳng Tiểu học bảo hộ để đối trọng với Đông Kinh nghĩa thục, sau đổi thành trường trung học mà người dân Hà Nội vẫn quen gọi là trường Bưởi. Và sau Cách mạng Tháng Tám mới đổi tên là trường Chu Văn An.

Cùng với việc học chữ, các hình thức ngoại khóa của nhà trường như diễn thuyết, bình thơ, kể chuyện lịch sử, kể chuyện những vĩ nhân đất Việt… đã thúc đấy việc canh tân, gây dựng đời sống mới. Chúng ta thử hình dung cả xã hội đang trong một lề thói, một khuôn phép, tĩnh lặng như mặt nước ao tù, bỗng rung rinh rồi dậy sóng… Bởi hàng nghìn con người theo học Đông Kinh nghĩa thục đã hưởng ứng sự vận động của nhà trường, chống lối học khoa cử, trọng thực học, thực nghiệp và hưởng ứng gây đời sống mới: Mặc áo ngắn, đàn ông bỏ khăn xếp, bỏ tóc dài búi tó mà cắt ngắn, rồi cả đàn ông, đàn bà đều bỏ nhuộm răng đen, hô hào nhau dùng hàng nội hóa. Tất cả những hoạt động ấy đã làm cho diện mạo phố phường, làng quê thay đổi.

Tuy nhiên, Đông Kinh nghĩa thục hoạt động không được lâu. Năm 1908, nhân vụ lính Pháp bị đầu độc ở Hà Nội, Sở Liêm phóng Pháp nghi Đông Kinh nghĩa thục có liên quan, nên chúng bắt nhà trường đóng cửa và bắt Thục trưởng Lương Văn Can vào tù. Ở trong tù, Lương Văn Can giữ vững khí tiết của một người yêu nước, thẳng thắn bảo vệ nhà trường của mình. Sau một thời gian, không tìm được chứng cứ gì, chúng đành thả Lương Văn Can. Nhưng đến tháng 4 năm 1913, sau vụ Quang phục hội đánh bom khách sạn Hà Nội thực dân Pháp cho bắt lại Lương Văn Can, khép ông vào tội chống chính quyền, nghi án mười năm đày biệt xứ và đưa ông qua Phnôm-pênh (Campuchia) an trí. Đến năm 1921, chúng mới cho ông trở lại Hà Nội.

Đông Kinh nghĩa thục chỉ tồn tại trong thời gian của hai năm học, nhưng nó đã ấn một dấu son vào lịch sử đấu tranh chống ách nô lệ thực dân của dân tộc ta. Phong trào canh tân gây dựng đời sống mới do Đông Kinh nghĩa thục khởi xướng sẽ mãi là tấm gương sáng cho việc giữ gìn và bảo tồn nền văn hiến nước nhà. Công lao ấy thuộc về cộng đồng với hàng trăm nhà giáo, hàng nghìn học sinh và hàng vạn người mến mộ tiếp sức cho Đông Kinh nghĩa thục. Trong công chung ấy, không thể không ghi nhận những đóng góp tích cực của Thục trưởng Lương Văn Can.

Lương Văn Can là nhà giáo giàu nghĩa khí, rất tôn sư trọng đạo. Năm cụ Tú Liêm là thầy dạy cũ của ông khi còn học ở trường làng, cùng những người yêu nước khác hoạt động chống Pháp, sau bị chúng bắt và chém đầu, đem bêu ở cổng phủ Hoài Đức. Các môn sinh của thầy đều lảng tránh. Riêng Lương Văn Can đã đến thẳng viên Bố chính Hà Đông là Nguyễn Hữu Dự, xin thi hài của thầy về làm ma, chôn cất tử tế.

Nét tôn sư trọng đạo của Lương Văn Can thể hiện ngay trong nết ăn nết ở, đường đi nước bước. Đường về làng Nhị Khê của ông, nếu tính từ Quán Gánh đi vào, có thể đi nhiều lối. Nhưng mỗi khi từ Hà Nội về làng, dù đi bằng phương tiện gì, xe tay, hay ngựa, ông đều đi ngõ chính chứ không đi ngang về tắt cho dù có ngắn độ đường và khi gần đến đền thờ Nguyễn Trãi, ông đều xuống đi bộ qua đền. Nhân cách lớn của một nhà sư phạm mẫu mực được bộc lộ trong những sinh hoạt thường nhật như vậy.

Năm 1921, khi trở về Hà Nội, Lương Van Can lại mở trường Ôn Như, ông lại dạy học và viết sách. Nhiều cuốn sách của ông được các nhà giáo, các nhà làm sử đánh giá cao như: Quốc sự phạm lịch sử, Hán tự tuyệt kính, Hán tự quốc âm, Ấm học tùng đàm, Gia huấn… Ngoài ra, ông còn dịch một số sách trong bộ Luận ngữ hay sách của Mạnh Tử.

Tuy Đông Kinh nghĩa thục ngừng hoạt động, nhưng từ khi về Hà Nội, nhà ông vẫn là nơi hợp điểm của những người cách mạng, những người yêu nước. Phan Châu Trinh ra Hà Nội vận động cách mạng, Huỳnh Thúc Kháng định ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ cũng đều đến đàm đạo với ông. Bởi vì các chiến sĩ yêu nước đều nhận thấy ở Lương Văn Can là con người cương trực, không ham hố chức sắc chốn quan trường, nhưng lại là người rất ưu thời mẫn thế, luôn quan tâm đến chính sự nước nhà. Đương thời, thấy dân ta quá trọng nông, ức thương, giễu kẻ sĩ:

Nhất sĩ nhì nông

Hết gạo chạy rông

Nhất nông nhì sĩ.

Ông đã lớn tiếng mà rằng: “Nước Nam ta mà không biết làm giàu thì suốt đời làm nô lệ cho thiên hạ”.

Câu nói trên, chứng tỏ ông là người có tầm nhìn xa, trông rộng. Một người có đầu óc kinh bang tế thế. Nhân nói chuyện từ trăm năm trước Lương Văn Can đã kêu gọi dân ta làm giàu, lại nhớ việc Đài Truyền hình Việt Nam hiện đang cho phát chương trình Làm giàu không khó. Nói “Làm giàu không khó” là có ý động viên mọi người, nhất là lớp trẻ dám tự thân vận động mà dựng nghiệp, chứ thực thì làm giàu là khó, hơn thế còn là rất khó. Không khó thì chắc ai cũng giàu có cả rồi, vì ở đời ai lại không muốn giàu có và không khó thì sao Nhà nước phải lập cả một chương trình quốc gia, tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng cho xóa đói giảm nghèo.

Làm giàu khó, nhưng chúng ta làm được. Nếu như chúng ta dám làm và biết làm. Chính Lương Văn Can là người sớm dựng đạo làm giàu cho dân tộc, cho đất nước. Phải! Chính ông, từ trăm năm trước đã chỉ ra chỗ yếu kém của giới doanh nhân nước nhà trong công cuộc làm giàu với 10 điều khái lược rất chí lý.

Một là người mình không có thương phẩm

Hai là không có thương hội

Ba là không có chữ tín

Bốn là không có cái tâm,

Năm là không có nghị lực,

Sáu là không biết trọng nghề,

Bảy là không có thương học

Tám là không biết giao thiệp rộng

Chín là không biết tiết kiệm

Mười là khinh bỉ hàng nội hóa.

Xem trong 10 điều Lương Văn Can nêu ra có 9 điều cần thì chưa có (hoặc có nhưng yếu kém) chỉ một điều ta có thì là điều không cần và không nên có.

Ôi! Nếu những điều Lương Văn Can nói từ trăm năm trước được người nước Nam mình bỏ vào tai, nhất là vào thời kinh tế thị trường này, thì đâu đến nỗi nước ta tụt hậu như ngày nay.

Tháng 4 năm 1926, cụ Phan Chu Trinh mất ở Sài Gòn, dân chúng Hà Nội tổ chức lễ truy điệu rất lớn ở đền thờ Hai Bà Trưng. Người ta thấy Lương Văn Can đứng tên trong ban tổ chức và có mặt trong buổi lễ đó. Một năm sau, tháng 6 năm 1927, nhằm ngày 13 tháng 5 năm Đinh Mão, Lương Văn Can đã ra đi. Biết mình khó qua khỏi, ông đã bảo người nhà mang giấy bút ra để ghi và ông đọc đôi câu đối:

Xuất thánh ư Tây dữ xuất thánh ư Đông, Kỷ trùng dương tâm lý giai đồng, hu đốt tai khu khu cử nghiệp, ngộ du, nhai đáo mộ nên tài hữu giác.

Vị quốc nhy sinh diệc vị quốc nhi tử, sổ thập tải chí nguyện vọng toại, sở vong giải thế thế hậu nhân tư ngã, di lai công sỉ tất vô vong.

Nghĩa là:

Có thánh bên Tây cũng có thánh bên Đông, ngàn trùng dương tâm lý như nhau, thương thay nghề cử nghiệp lầm ta, lúc tuổi xế chiều mới biết.

Vì nước mà sống, cũng vì nước mà chết, mấy chục năm trời ước mong không toại, chỉ nguyện người hậu thế nhớ tới, mối hờn đất nước đừng quên.

Ngoài đôi câu đối, ông cũng để lại một bản di chúc bằng chữ Nôm. Di chúc có đoạn:

“Tôi có một đôi câu đối liền di bút để lại gửi nhời nói với các thân bằng cố hữu, hết thảy đồng bào xin nhớ lấy sáu chữ, ai ai cũng có một lòng ấy, đời đời cũng giữ một sự ấy, không đạt được mục đích thì không thôi. May ra ngày sau quốc hồn còn được, quốc sỉ rửa được. Đại Việt ta có thể mở mặt ở trên địa cầu được chăng? Sáu chữ là gì ? Là Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ”. Sáu chữ ấy là một cái hộ phù cứu nước rất linh, rất mạnh không gì hơn nữa. Tôi xin chúc Đại Việt ta vạn tuế, đồng bào ta vạn tuế.”

Con cháu của nhà giáo, nhà chí sĩ Lương Văn Can kể lại rằng, trước đó ít tháng, khi vợ ông mất, Lương Văn Can đã đặt ở một nhà in, in cho ông hàng nghìn tờ rơi với sáu chữ “Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ” (nghĩa là: Giữ tinh hoa của đất nước, rửa nhục cho nước). Bọn mật thám Pháp ở Hà Nội đánh hơi biết chuyện này. Chúng cho người bám sát nhà ông khuya, sớm. Nên ngay khi ông nằm xuống chúng đã ra tay trước. Ông trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6 giờ thì 7 giờ tên Chánh cẩm người Pháp là Ác-nu cùng viên thầy thuốc Ba-rơ đã đến nhà. Chúng lập biên bản, ghi rằng ông chết bệnh dịch tả, phải chôn ngay vào 5 giờ chiều cùng ngày.

Cũng theo Nguyễn Công Hoan, trong cuốn Nhớ và ghi về Hà Nội thì chính quyền Pháp ở Hà Nội đánh đòn này vì chúng sợ sẽ lại có một đám tang to như đám tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh.

Chính quyền thực dân Pháp đã thực hiện được một phần mong muốn là ngăn không cho làm tang lớn. Buồn thay cho họ, lại sợ cả người đã chết! Nhưng chính sự cản ngăn ấy đã chạm vào thuần phong đất Việt, rằng:”Nghĩa tử là nghĩa tận”.

Cho nên, ngay đêm ấy, đêm 12-6-1927, học trò ông, thân bằng cố hữu của ông, người hàng phố, người ái mộ đã nối tiếp kéo đến nhà ông phúng viếng, chỉ đếm câu đối đưa đến viếng đã có trên 500 đôi và ba ngày sau, trong lễ “rước vong” ông về nhà, thì đã thực sự trở thành cuộc đối đầu giữa người dân và cảnh binh Pháp trước nghĩa trang Hợp Thiện, nơi đặt mộ phần, nơi Lương Văn Can yên nghỉ cõi vĩnh hằng.

Đến nay, gần một trăm năm qua đi, Lương Văn can đã thành người thiên cổ. Nhưng có đôi câu đối từ thuở ấy, nay vẫn được nhiều người lưu truyền và ghi nhớ:

Phiên âm:

  • Trung hiếu nhất môn thiên cổ trọng
  • Di ngôn lục tự vạn nhân sư.

Dịch:

  • Trung hiếu một nhà nghìn thu còn trọng vọng
  • Để lại sáu chữ, vạn người xem như lời thầy dạy mãi.

Như chúng ta đều biết, trước Lương Văn Can ít năm, nhà giáo Nguyễn Bá Học, bậc túc nho lão thành, trước lúc rời xa trần thế (1921) ông cũng đã để lại di bút cho đời sau với bốn chữ Bảo tồn quốc túy. Thế mới biết các bậc chí sĩ cao nhân, những người hữu tâm thế đạo, luôn trọng nền văn hiến nước nhà, luôn mong mỏi các thế hệ nối tiếp biết bồi đắp, giữ gìn quốc hồn, quốc túy.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *