Hội đồng họ Lương Việt Nam dâng hương nhân ngày Giỗ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng

Ngày 8/8/2024, tức ngày mùng 5 tháng 7 năm Giáp Thìn, dòng họ Lương Phủ làng Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ Giỗ tổ lần thứ 498 Bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Đông đảo các thế hệ con cháu họ Lương Hữu từ khắp mọi miền đất nước, và đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ, các đoàn thể nhân dân xã Hoằng Phong đã về dự Lễ và thành kính dâng hương.

 

Nhà thờ cụ Lương Đắc Bằng
Nhà thờ cụ Lương Đắc Bằng

Đoàn đại biểu Thường vụ Hội đồng họ Lương Việt Nam, Thường trực Hội đồng Trưởng lão họ Lương Việt Nam, Thế hệ trẻ họ Lương Việt Nam do ông Lương Đức Kỳ – Chủ tịch Hội đồng họ Lương Việt Nam làm trưởng đoàn cùng đại diện Hội đồng họ Lương tỉnh Thanh Hóa, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Phước… đã kính cẩn dâng hương lễ bái.

 

 

Thường vụ Hội đồng họ Lượng Việt Nam và Đại diện họ Lương các tỉnh thắp hương lễ Cụ Lương Đắc Bằng
Thường vụ Hội đồng họ Lượng Việt Nam và Đại diện họ Lương các tỉnh thắp hương lễ Cụ Lương Đắc Bằng

Theo cuốn sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa do GS,TS Trịnh Nhu chủ biên, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng lúc nhỏ tên là Lương Ngạn Ích, sinh năm 1475, mất năm 1526. Ông sinh tại xã Trác Vĩnh, giáp Cổ Đằng, sau đổi tên là làng Hội Triều thuộc xã Trào Âm, tổng Bái Trạch, nay là xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

 

Các thế hệ con cháu họ Lương Hữu dâng hương
Các thế hệ con cháu họ Lương Hữu dâng hương

 

Dòng họ Lương Phủ làng Hội Triều là dòng họ khoa bảng. Thân phụ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng là cụ Lương Hay, vốn là người thông minh quảng học, đỗ Giải nguyên năm 1460, làm quan đến chức Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Thái thượng Tự thừa, được vua cử đi sứ nhà Minh.

 

Bảng nhãn Lương Đắc Bằng từ nhỏ là người thông minh, học giỏi lại là con nhà khoa bảng, được rèn cặp, giáo dục chu đáo nên được người đời coi là “thần đồng”. Thân phụ Lương Hay thấy con mình thông minh, dĩnh tuệ nên vào năm Lương Ngạn Ích 12 tuổi, ông đã nhờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh là người bác họ dạy bảo, kèm cặp. Năm 1496, Lương Ngạn Ích 21 tuổi dự thi Hương, đậu Giải nguyên. Năm Ất Mùi (1499), Lương Ngạn Ích dự thi Hội, đỗ tứ trường trúng cách. Vào thi Đình, ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (Bảng nhãn).

Cảm phục văn tài của ông, Hiển Tông Duệ Hoàng đế đã ban cho bài thơ khen ngợi, sau đó nhà vua tuyên triệu số người đỗ đạt cao vào Sân rồng sai làm bài ký tiêu đề Ngô Vương tưởng. Bằng văn tài và bút lực siêu phàm, Lương Ngạn Ích đã làm cho cả triều đình cảm phục. Vua xếp bài của ông đạt loại ưu, được khen thưởng rất hậu và được ban tên mới là Lương Đắc Bằng. Sau khi thi cử đỗ đạt, ông được phong giữ chức Thị độc, rồi thăng lên chức Hàn lâm viện Thị độc tham chưởng Hàn lâm viện sự rồi lại lên chức Lại bộ Tả thị lang.

Lương Đắc Bằng sống trong suốt 6 triều vua Lê: Lê Thánh Tông, Lê Hiển Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông và tham dự triều chính qua 4 triều vua Lê.

Là vị quan thanh liêm, chính trực, trong suốt quá trình làm quan, Lương Đắc Bằng đã dốc công tận tụy vì nước, vì dân. Sử sách ghi lại nhiều công lao và ca tụng đức độ của ông. Tuy nhiên, sau khi vua Túc Tông mất, vua Uy Mục lên nối ngôi, trăm họ đói khổ, oán hận. Các đại thần xứ Thanh Hoa đã ủng hộ đưa Giản Tu công Oanh lên làm vua và sau này tôn lên làm Tương Dực đế. Nhưng chẳng bao lâu, vua Tương Dực cũng đi vào con đường xa hoa, trụy lạc. Nhân khi thân mẫu qua đời, Lương Đắc Bằng cáo quan về quê cư tang mẹ và dự định hưu dưỡng ở quê nhà, làm nghề dạy học. Nhưng nhà vua lại có chiếu chỉ mời ông về triều. Năm Canh Ngọ (1510), vua ban thánh chỉ khôi phục Lại bộ Tả thị lang Lương Đắc Bằng kiêm Đông các Học sĩ, nhập thị kinh diên nhưng Lương Đắc Bằng từ chối. Nhân đó, ông dâng lên vua “14 kế sách trị binh”, vua Lê Tương Dực khen kế sách hay, nhưng không thi hành. Khi Lê Chiêu Tông lên làm vua vẫn không có thay đổi theo chiều hướng tốt, Lương Đắc Bằng thấy vậy nên cáo quan về quê dạy học. Trong những năm dạy học, bằng trí tuệ và đức độ của mình, Ông đã đào tạo nên những học trò giỏi như Tiến sỹ Đinh Bạt Tụy; Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc; Hoàng giáp Lại Kim Bảng; Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hưu. Ông mất vào ngày mùng 5 tháng 7 năm 1526 theo Âm lịch, hưởng thọ 51 tuổi.

Bảng nhãn Lương Đắc Bằng là người nhìn xa trông rộng, xét việc có lý, có tình, có khả năng phân tích, đánh giá thời cuộc, am hiểu dịch số, biết được lẽ hưng vong của đất nước, triều đại. Ông có nhiều công lao đóng góp cho nền chính trị nước nhà, đặc biệt là việc soạn Hịch dụ đại thần và các quanTrị bình thập tứ sách. Những cống hiến này của ông đã được lịch sử ghi nhận và  đánh giá cao.

Tất cả các tài liệu trong sử sách hay trong Gia phả dòng họ Lương đều cho rằng Lương Đắc Bằng là người thông minh, quảng trí, am hiểu thời cuộc, ngay thẳng, cương trực, liêm khiết, là người tài đức vẹn toàn, là vị thầy tài cao, đức trọng, một nhà giáo mẫu mực trong lịch sử giáo dục của dân tộc Việt Nam.

Lăng mộ Bảng nhãn Lương Đắc Bằng được dòng họ và dân làng xây cất tại làng Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1994, khu Lăng mộ và Đền thờ Lương Đắc Bằng – Lương Hữu Khánh đã được Nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trường Trung học phổ thông Hoằng Hóa I đã được UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Hoằng Hóa đổi tên thành Trường Trung học phổ thông Lương Đắc Bằng.

Ban truyền thông thực hiện

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *