Theo gia phả ghi lại, Ông Tổ của Họ Lương làng Mỹ Lợi xuất phát từ Làng Lương Niệm, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Thời chính trị khởi đầu đi mở cõi khoảng năm 1558 theo chúa Nguyễn Hoàng vào đây khai canh, lập ấp. Năm 1562 thành lập Làng. Trước đây có tên là phường Mỹ Toàn, sau này là làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Họ Lương Mỹ Lợi sinh dòng phát tộc từ đó đến nay được 19 – 20 đời, nhiều con cháu lan tỏa đi các vùng miền trong nước và nước ngoài để sinh cơ lập nghiệp. Nhà thờ họ Lương Mỹ Lợi được xây dựng từ rất sớm, vị trí trước đây ở Xóm Lớn (Mỹ Long Đông), bằng vật liệu tranh tre nên bị hỏa hoạn. Đến năm 1864 (năm Giáp Tý) bắt đầu xây lại nhà thờ thuộc xóm Mỹ An, nay là Thôn 1, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc. Năm 1924 được xây dựng kiên cố. Qua các năm 1987, 1992, 1998 nhiều lần tôn tạo và trùng tu. Năm 2015: Xây dựng Trụ biểu – Non bộ – Hồ sen. Năm 2022: Đại trùng tu. Nhà thờ nay là một quần thể gồm nhà Tăng, nhà hỏa vụ, có Tiền đàn Hậu tẩm, La thành bao quanh, cửa Tam quan, Bình phong rất kiên cố và mỹ thuật mang kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Nhà thờ được xây dựng 5 căn, cây cột nhóm 1, liểng đối hoa văn cổ kính, 5 tủ áng, chạm trổ xà cừ hoa văn rất công phu; khuôn viên rộng rãi và khang trang, hoành tráng, phong thủy hữu tình, cảnh quan thơ mộng, tạo nên một điểm văn hóa tâm linh hấp dẫn cho con cháu trong và ngoài nước có dịp về cội nguồn chiêm bái, cầu nguyện. Từ nhà thờ đến lăng mộ của ngài Thủy tổ khoảng 1,5 km. Tại thôn 2, Vinh Mỹ, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế là khu lăng mộ rộng lớn, hoành tráng của dòng họ, được xây dựng từ năm Duy Tân thứ 4 (1910).
Nhà nghiên cứu Lịch sử – Văn hóa Huế, ông Trần Đại Vinh nhận định:
* “Làng được hanh thông cội nguồn xưa từ Sầm Sơn đến khai nam thổ;
Họ không gián đoạn nếp nhà phong phú tụ Mỹ Toàn xây dựng cơ đồ”
* “ Biển đầm bao bọc Mỹ ấp phát xuất bậc hiếu trung;
Non nước vây quanh Lương tộc mở mang nhà nhân nghĩa”
* “Thúy Vân chầu trước ngàn thu vượng;
Linh Thái án tiền trăm thế yên.”
Họ Lương Mỹ Lợi không áp dụng chế quyền ngành trưởng, mà luân phiên các phái làm tộc trưởng. Nếu phái nào khuyết trưởng thì bầu bổ sung cho cân đối. Người được bầu làm trưởng tộc phải hội đủ các tiêu chuẩn về đạo đức, về lối sống chung và riêng, có uy tín trong làng xã, tích cực đóng góp xây dựng việc họ và kinh qua một trong các việc họ giao như: phần coi, biện, thủ dịch 2 năm, trưởng phái hoặc thầy lễ 2 năm, trưởng tộc nhiệm kỳ 2 năm. Như vậy người đàn ông trong họ phải cống hiến 6 năm mới được đứng vào hàng cựu trưởng tộc (chú bác lớp trên). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc cách. Hệ thống điều hành họ chia làm 2 ban: văn và võ, dưới sự điều hành chung của ông trưởng họ nhiệm kỳ 2 năm. Ban văn gồm: học trò lễ, ông biện, thầy lễ, thầy nhạc; Ban võ gồm: Trưởng các phái, ông Thập, phần coi, thủ dịch.
Dòng họ Lương Mỹ Lợi tổ chức 3 lễ lớn hằng năm: Lễ hiệp Tế rằm tháng 2(tế tất cả người quá cố trong họ); lễ Chạp mả (tảo mộ) vào ngày 12/8 âm lịch; nay chuyển lại ngày 12/6/Âm lịch, lễ Đông Chí (tế thần khai canh). Ngoài ra còn có những thường lễ như: Tết Nguyên Đán, tết Đoan Ngọ, Rằm tháng Bảy (lễ báo hiếu).
Họ Lương Mỹ Lợi thành lập Ban khuyến học để thường xuyên kịp thời tuyên dương, khen thưởng, động viên các cháu học giỏi các cấp học hàng năm, các cháu đoạt giải các khoa thi chuyên ngành cấp tỉnh, cấp quốc gia, các cháu đậu vào đại học và trên đại học, … tổ chức các cháu đến báo công trước nhà thờ Họ. Nguồn quỹ do các thành viên trong Họ có tâm huyết, hảo tâm đóng góp.
Họ còn tổ chức thăm hỏi người già cao tuổi ốm đau, hoạn nạn, vận động những chú bác, con cháu có điều kiện ủng hộ tiền bạc cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tuyên dương các nàng dâu hiền, rể thảo có nét đẹp trong đời sống văn hóa của dòng họ. Phối hợp với Hội đồng họ Lương Việt Nam tặng quà Tết ấm tình thương. Mừng thọ các cụ cao tuổi. Khi trong dòng Họ có người không may hoạn nạn qua đời, anh em, bà con trong Họ lo phúng điếu, an táng đến nơi an nghỉ cuối cùng. Chỉ qua những vần thơ dưới đây ta cũng hiểu được quá trình sinh cơ lập nghiệp của họ Lương Mỹ Lợi.
“Họ Lương Mỹ Lợi là đây
Nhà thờ cổ kính dựng xây Tổ mình
Sáu Trụ biểu cao uyển hình
Có hồ bán nguyệt có hình non xanh
Bên hồ cây cối tốt xanh
Quanh hồ hoa nở chung quanh bốn mùa
Sau nhà cau chuối bóng dừa
Cây xanh lá tốt ngắm đùa dưới trăng
Biển đông bao bọc chung quanh
Khai sơn Lương tộc mở mang nghĩa tình
Từ Sầm Sơn đến quê mình
Mỹ Toàn lập nghiệp Lương mình là đây”.
Họ Lương Mỹ Lợi phát triển nhiều mặt, có nhiều cá nhân thành đạt ở nhiều lĩnh vực: Lương Văn Trấn đứng xin khai canh bạ của Làng Mỹ Lợi (Cảnh trị 7- 1669), Lương Văn Đồn cùng đứng đơn; Lương Văn Lượng (đời 9) làm giản binh đến chức Trung lang tướng (1762 – 1820). Lương Tài (1806 – 1857) được phong Minh Nghĩa Đô Úy, Quản Cơ (Tự Đức thứ 7, ngày 5 thàng 7 Giáp Dần (1854) tử trận được phong tinh binh đô úy phấn dũng tướng quân (Tự Đức 10, ngày 02 tháng 2 năm Đinh Tỵ – 1857). Đời 11 có Lương Duy là bố chánh sứ tỉnh Hải Dương, Lương Quang là Phó Quảng cơ tả vệ thủy.
Hiện nay, dân số của Họ không đông, khoảng trên 1.000 người, nhưng đã có trên trăm cháu đậu cử nhân, có nhiều vị sau đại học: PGS,TS. Lương Quý Cường, từng đảm nhiệm chủ nhiệm khoa Hóa, Đại học Bách Khoa Hà Nội; Lương Hồng Hải đỗ tiến sĩ tại Nhật năm 2008, Lương Anh Tuấn đỗ tiến sĩ hóa dầu tại Pháp 2009, Lương Hồng Nga đỗ tiến sĩ năm 2010 và nhiều con cháu đỗ Tiến sĩ, Thạc sĩ làm việc trong nước cũng như ngoài nước. Ngoài ra có nhà thơ Lương Hương, bút danh Lương Túy Vân là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Tân Hiệp – Đồng Nai). Thật tự hào họ Lương Mỹ Lợi nói riêng và dòng họ Lương nói chung.
Lương Minh – Lương Quang Bình
Ban Liên lạc họ Lương tỉnh Thừa Thiên Huế
Nét văn hóa của Nhánh Họ Lương ở làng Mỹ Lợi rất hay!
Cám ơn con cháu người họ Lương là: Lương Văn Tú đã quan tâm đến họ lương Mỹ Lợi.