Dấu ấn đồng chí Lương Văn Tri trong lòng thế hệ con cháu, gia đình, dòng họ hôm nay

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 114 ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri (17/8/1910 – 17/8/2024), Ban biên tập Trang thông tin điện tử Họ Lương Việt Nam đăng bài viết của tác giả Lương Thị Tăng – cháu nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam Lương Văn Tri. Đây là bài tham luận của tác giả tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Lương Văn Tri – Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Lạng Sơn và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức.

Ngày 17/8/1910, Lương Văn Tri cất tiếng khóc chào đời tại làng Bản Hẻo, xã Mỹ Liệt, tổng Mỹ Liệt, châu Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn (nay là thôn Bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước và hiếu học. Tuổi thanh xuân và cuộc đời hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, sự hy sinh anh dũng của bác Lương văn Tri là niềm tự hào to lớn của gia đình, dòng họ Lương chúng tôi.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng cư dân ở tổng Mỹ Liệt, châu Văn Uyên, sau này là tổng Mỹ Liệt, châu Điềm He, gia tộc họ Lương chúng tôi được xem là một gia tộc lớn đến đây định cư từ lâu đời, tập trung chủ yếu tại xã Vân Mộng. Theo gia phả của dòng họ Lương để lại và hiện đang được lưu giữ, trao truyền qua các thế hệ con cháu, từ bốn đời trở về trước, cụ ông Lương Lưu Vượng đã cùng với gia đình rời xã Vân Mộng đến định cư làm ăn tại địa bàn xã Mỹ Liệt.

Ông Lương Đức Kỳ - Chủ tịch Hội đồng họ Lương Việt Nam và bà con họ Lương dâng hương tại tượng đài Lương Văn Tri
Ông Lương Đức Kỳ – Chủ tịch Hội đồng họ Lương Việt Nam và bà con họ Lương dâng hương tại tượng đài Lương Văn Tri

Vợ chồng cụ Lương Lưu Vượng sinh hạ được 6 người con, gồm 3 trai, 3 gái. Trong số này, có cụ ông Lương Viết Bạn – sinh ra ông Lương Lợi Tiên là cha ruột của Lương Văn Tri. Trải qua nhiều thế hệ kế tiếp nhau, con cháu gia tộc họ Lương ở tổng Mỹ Liệt, châu Văn Uyên xưa và xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan ngày nay, nối đời chăm chỉ làm ăn sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi.

Ông Lương Lợi Tiên đã được cha mẹ cho theo học chữ nho với các thầy đồ, hương sư trong xã, ngoài tổng. Tuy lưng vốn chữ nho không được nhiều, nhưng cụ ông Lương Lợi Tiên chúng tôi cũng được nhân dân địa phương xếp vào hàng số ít người ở tổng Mỹ Liệt hay chữ và hiểu biết thời thế. Thân mẫu của bác Tri là cụ bà Hoàng Thị Liềm, con cháu gia tộc họ Hoàng định cư tại tổng Mỹ Liệt từ lâu đời. Cụ ông Lương Lợi Tiên với cụ bà Hoàng Thị Liềm sinh hạ được 3 người con là: Lương Thị Tích, Lương Văn Tri và em trai Lương Văn Hành. Bà Lương Thị Tích sau này lấy chồng là ông Hoàng Văn Cư, sinh được một người con trai là Hoàng Văn Thư. Ông Lương Văn Hành lấy vợ là bà Hoàng Thị Kỳ, sinh được 5 người con là Lương Thị Ngọc, Lương Thị Lan, Lương Thị Tăng, Lương Huyền Linh và Lương Thị Oai.

Tuổi thơ êm đềm của ba chị em bác Tri kéo dài chẳng được bao lâu trong tình yêu thương chăm chút của cả cha lẫn mẹ. Năm bác Tri lên 6 tuổi, cả gia đình đã phải gánh chịu nỗi đau thương không bù đắp được. Do gặp phải căn bệnh hiểm nghèo cụ bà Hoàng Thị Liềm đã sớm qua đời. Ba chị em bác Tri đã sớm phải chịu nỗi đau mồ côi mẹ.

Đại diện bà con họ Lương Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Lương Văn Tri
Đại diện bà con họ Lương Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài Lương Văn Tri

    Thương cho gia cảnh “gà trống nuôi con” của cụ ông Lương Lợi Tiên, lại được sự chấp thuận từ phía hai gia đình, họ tộc, cụ bà Lương Thị Nịnh đã nên duyên vợ chồng, trở thành người vợ thứ hai của cụ ông Lương Lợi Tiên, cùng cụ ông sớm tối gánh vác việc gia đình, chăm lo nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ già. Cụ ông Lương Lợi Tiên và cụ bà Lương Thị Nịnh sinh thêm được hai người con là Lương Văn Nhàn và Lương Thị Thêm. Ông Lương Văn Nhàn sau này lấy vợ là bà Nguyễn Thị Thót, sinh được 5 người con là Lương Thị Kim, Lương Thị Đồng, Lương Thị Đều, Lương Văn Trung và Lương Văn Nam.

Năm lên 7 tuổi, bác Lương Văn Tri được cha mẹ cho theo học cùng với các bạn trong xã. Sau 3 năm, ông Lương Lợi Tiên và bà Lương Thị Nịnh thấy con trai Lương Văn Tri theo học tại trường làng đạt kết quả tốt, lại ham học, học hành chăm chỉ, tiến bộ, nên bác Tri được cha gửi ra Điềm He trọ học. Hàng tháng, cụ ông Lương Lợi Tiên thường xuyên mang gạo và tiền lên thăm, nuôi con trai ăn học.

Theo lời kể lại của các cụ trong gia tộc dòng họ Lương, với bản tính hiếu học, chăm chỉ, lại hết mực thương cha mẹ khó khăn vất vả, gia đình đông con, suốt những năm theo học tại Điềm He, năm nào bác Tri cũng đạt học sinh giỏi của trường, luôn được thầy giáo khen ngợi, bạn bè khâm phục, noi gương. Trong thời gian bác Tri học tại Điềm He, thực dân Pháp mở Trường tiểu học Pháp – Việt cho học sinh 3 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn tại thị xã Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn nhằm đào tạo lớp trí thức người bản xứ phục vụ trực tiếp cho chế độ thuộc địa của chúng. Là học sinh xuất sắc tại Trường sơ học ở Điềm He, bác Tri của chúng tôi được tuyển ngay vào học tại Trường tiểu học Pháp – Việt. Đây là niềm tự hào lớn đối với cả gia tộc chúng tôi khi đó và ngày nay.

Tuy gia cảnh vô cùng khó khăn, nhưng trước tương lai học hành tấn tới của con trai mình, ông Lương Lợi Tiên và bà Lương Thị Nịnh của chúng tôi luôn động viên con trai quyết tâm theo học. Tháng 8 năm 1924 (tức ngày 04 tháng 7 năm Giáp Tý), bác Tri rời khỏi quê hương Mỹ Liệt ra thị xã Lạng Sơn theo học tại Trường tiểu học Pháp – Việt.

Bác Tri học tại Trường tiểu học Pháp – Việt trong bối cảnh phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang dấy lên mạnh mẽ khắp các địa phương cả nước. Học tại trường này, bác Tri cùng bạn học là Hoàng Văn Thụ sớm trăn trở, giãi bày với nhau trong tâm trạng xót xa, phẫn uất. Mong ước và nuôi ý chí phải làm gì để người dân của ta thoát cảnh áp bức, đè nén bất công, không còn nghèo đói, thất học.

Với tư chất thông minh ham học, lại được sự khích lệ động viên từ phía dòng tộc gia đình, bác Tri luôn phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập, được thầy giáo quan tâm, bạn bè yêu quí. Lòng yêu nước vì vậy sớm được hình thành, nuôi dưỡng. Trong thời gian theo học tại Trường tiểu học Pháp – Việt, bác Tri cùng Hoàng Văn Thụ luôn là hai trong số rất ít học sinh xuất sắc của trường. Sau khi tìm hiểu về Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tổ chức của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam yêu nước tiến bộ, đã lay động mạnh mẽ ý chí, thôi thúc người thanh niên yêu nước Lương Văn Tri quyết tâm tham gia hoạt động trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc do Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tổ chức. Nhân kỳ nghỉ hè năm học 1926 – 1927, bác Lương Văn Tri cùng với người bạn học Hoàng Văn Thụ hạ quyết tâm không tiếp tục theo học tại Trường tiểu học Pháp – Việt nữa, mà tìm cách sang đất Trung Quốc, liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để tham gia hoạt động cách mạng.

Tuy đã quyết chí ra đi học hỏi con đường cứu nước, cứu nhà, nhưng trăn trở tâm tư nhất đối với người thanh niên yêu nước Lương Văn Tri lúc đó không phải là những khó khăn gian khổ đang chờ đón bác ở phía trước và trên con đường tìm gặp tổ chức cách mạng mà là sự giải thích với cha mẹ về sự thôi học tại Trường tiểu học Pháp – Việt trước sự kỳ vọng lớn của cả gia tộc chúng tôi đối với cậu con trai thông minh, hiếu học, tương lai thành đạt sẽ rạng rỡ tổ tiên dòng tộc. Cuối cùng bác đã chọn lý do là Trường thu xếp cho cả bác và ông Hoàng Văn Thụ cùng đi học một khoá làm Ký ga xe lửa tại Hà Nội để báo cáo với cha mẹ.

Bác Tri và Hoàng Văn Thụ trở về quê nghỉ hè trong tâm trạng háo hức tự tin chuẩn bị thực hiện một quyết định hệ trọng đối với cuộc đời và sự nghiệp của mình. Trong kỳ nghỉ hè cuối cùng ấy, khi nghe bác Tri thưa rằng: “Con và Hoàng Văn Thụ đã được xếp đi học làm Ký ga xe lửa ở Hà Nội”, cụ ông Lương Lợi Tiên và cả dòng họ Lương chúng tôi mừng và hãnh diện lắm, vì như thế là con cháu mình sắp thành đạt. Câu chuyện cậu học trò Lương Văn Tri thông minh, ham học, hiếu nghĩa sẽ trở thành vị Ký ga xe lửa nhanh chóng lan truyền trong xã, ngoài tổng, làm cho các chức sắc chính quyền trong xã, ngoài tổng phải e dè, nể nang và không một chút nghi ngờ gì trước việc bác lên đường đi học để làm Ký ga xe lửa.

Tháng giêng năm 1928, như đã hẹn, sau những ngày vui tết đoàn tụ cùng với gia đình, bác Tri cùng Hoàng Văn Thụ gặp nhau, bàn tính qua biên giới, sang đất Trung Quốc để tìm gặp tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Cuộc vượt biên giới thành công. Cuối năm 1928, bác được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Cuối năm 1929, cùng với các đồng chí khác, bác Tri của chúng tôi được kết nạp trở thành đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng. Tháng 2 năm 1930, bác Tri chính thức là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được phân công tham gia tổ chức các lớp huấn luyện cách mạng và chỉ đạo phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn. Gia đình, dòng họ chúng tôi vô cùng tự hào vì có bác Tri là một trong những đảng viên đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn.

Từ giữa năm 1930 đến năm 1935, bác Tri của chúng tôi tham gia hoạt động cách mạng trên đất Trung Quốc, tham gia học tập tại Trường Quân sự Nam Ninh hay còn gọi là “Nam Ninh quân quan học hiệu”. Cuối năm 1935 đầu năm 1936, bác Tri đã về địa bàn Văn Uyên, Thất Khê (Lạng Sơn) tuyên truyền, vận động, tổ chức lựa chọn thanh niên yêu nước để đưa qua Lũng Nghịu, đến Long Châu (Trung Quốc) dự các lớp huấn luyện cách mạng do Đảng bộ đặt biệt ở Long Châu tổ chức.

Mùa hè năm 1936, các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Mã Khánh Phương và bác Tri từ Lũng Nghịu (Bằng Tường – Trung Quốc) vượt biên giới Trung – Việt trở về nước hoạt động. Các đồng chí qua địa bàn châu Văn Uyên, châu Điềm He, châu Bằng Mạc, theo đường núi vào địa phận châu Bắc Sơn, tổ chức tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng cách mạng trung kiên, làm nòng cốt cho phát triển phong trào cách mạng ở Bắc Sơn. Trong chuyến đi này, ngày 26-6-1936 (tức ngày 8 tháng 5 âm lịch năm Bính Tý), bác Tri đã bí mật về Bản Hẻo, xã Trấn Ninh thăm gia đình sau 8 năm xa cách. Sự kiện bác bí mật trở lại thăm gia đình sau nhiều năm biền biệt không tin tức, sau này, được cha tôi là Lương Văn Hành kể lại: Ngay khi anh Tri về gần tới đầu làng, được biết trong làng đang có bọn lính đoan vào lục soát vì chúng nghi ngờ có bọn “giặc đỏ” đang hoạt động. Trước tình huống đó, bác Tri đã phải bí mật vào hang Pác Thẳm để tránh sự phát hiện của bọn lính đoan. Hôm sau, khi bọn lính đoan rút, bác mới nhắn qua người trong làng cho em trai là bố tôi Lương Văn Hành lên sườn núi Mò Nòn để gặp bác. Sau phút giây mừng rỡ lâu ngày hai anh em mới lại được gặp nhau, bác Tri đã cho bố tôi được biết là những năm tháng qua, bác đi hoạt động cách mạng chứ không phải đi học làm Ký ga xe lửa. Trong thời gian ngắn ngủi thăm gia đình, không phải bác Tri trực tiếp nói với cha mình là bác đi hoạt động cách mạng, sau khi bác Tri đi, cha tôi là ông Lương Văn Hành mới thưa với ông Lương Lợi Tiên là bác Tri đi hoạt động cách mạng, đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc, không phải đi học làm Ký ga xe lửa.

Là một người vốn có tâm huyết yêu nước, căm thù thực dân Pháp xâm lược, nghe con trai Lương Văn Hành kể xong, cụ ông Lương Lợi Tiên cùng mọi người trong gia đình đều vui mừng tự hào, mong cho con trai tiếp tục hoạt động đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Lần trở về thăm lại những người thân trong gia đình mùa hè năm 1936, sau 8 năm xa cách, không ngờ cũng là lần cuối cùng bác Tri trở lại Bản Hẻo, xã Trấn Ninh. Quãng thời gian hoạt động cách mạng sau này cho đến ngày bác hi sinh từ năm 1936 – 1941, dòng họ chúng tôi vô cùng tự hào khi bác được Trung ương chỉ định tham gia Xứ uỷ Bắc Kỳ, là Uỷ viên Ban Thường vụ Xứ uỷ, phụ trách công tác quân sự; được giao đảm nhận Chỉ huy trưởng Đội Du kích Bắc Sơn, triển khai kế hoạch của Trung ương xây dựng căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai và làm chính trị viên Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn.

Hình ảnh về một thanh niên Lương Văn Tri rắn rỏi, hoạt bát, chan chứa tình cảm với quê hương, gia đình, người thân luôn mãi in đậm nơi ký ức, tình cảm của các anh chị em trong gia đình, trong thế hệ thế hệ con cháu chúng tôi hôm nay và mai sau qua sự truyền tụng của sử sách địa phương và dân tộc,

Phát huy truyền thống yêu nước của gia đình và tự hào về sự nghiệp cách mạng của bác, các thế hệ con cháu chúng tôi hôm nay luôn luôn ra sức phấn đấu học tập, công tác, lao động sản xuất tiến bộ; tham gia gìn giữ, bảo vệ di tích Nhà lưu niệm – là nơi sinh ra và lớn lên của bác, nơi còn lưu giữ những kỷ vật của gia đình, những kỷ vật gắn bó với tuổi thơ của cụ.

Có thể nói, 31 năm tuổi đời, 13 năm liên tục trên con đường sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chiến sĩ cộng sản kiên cường Lương Văn Tri, người con ưu tú của quê hương, của gia đình họ Lương chúng tôi đã đi vào cõi trường sinh bất tử trong niềm tiếc thương vô hạn và rất đỗi tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn và của gia đình, dòng họ chúng tôi./.

Lương Thị Tăng

3 những suy nghĩ trên “Dấu ấn đồng chí Lương Văn Tri trong lòng thế hệ con cháu, gia đình, dòng họ hôm nay

  1. Lương Xuân Thủy nói:

    Xin kính chào Ban Chủ nhiêm trang Báo Hội đồng họ Lương Việt Nam. Kính chúc Ban lãnh đạo luôn mạnh khỏe điểm tựa thân thiết, cầu nối giữa các thế hệ họ Lương Việt Nam trường tồn hạnh phúc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *