MỘT TÂM HỒN THƠ TRONG SÁNG

Lương Văn Tự là người đi nhiều. Đọc thơ, biết ông đã từng có mặt ở nhiều danh thắng trong nước cũng như nước ngoài. Ông yêu thơ, đến đâu, lòng xúc động cũng đều có thơ, vừa để ghi lại những nơi mình đã qua, cũng là để khuây khỏa:

Viết thơ để giải nỗi sầu

Gửi niềm mơ ước bấy lâu đợi chờ

Gửi nơi không bến không bờ

Gửi qua đêm tối để chờ sao mai

(Đợi)

Có đêm không ngủ vì nghĩ đến người nào đó, quả là một đêm dài:

Điện tắt rồi mà trăng vẫn sáng

Biển rì rào như thầm nhủ bên tai

Trăng nào bằng ánh mắt của ai

Đêm rất dài nghĩ về ai không ngủ!

(Không ngủ)

Ai là người nào đây? Người yêu, bạn thân, hay là một người đẹp nào, lúc gặp, ánh mắt nhìn không làm sao quên nổi!

Lại một đêm ở Hội An một mình, vắng người yêu, nỗi buồn thấm đẫm trong lòng, nhìn biển, nhìn trăng, nhìn mây, chỉ thấy lòng nặng trĩu:

Đêm nay bầu rượu không nem

Nên anh vẫn nhớ lời em dặn dò

Biển sao im lặng như tờ

Chỉ còn thuyền cá lờ mờ ngoài khơi

Tưởng rằng gió thổi mây trôi

Ánh trăng lại sáng bầu trời lại trong

Thế mà trăng lẩn vào trong

Mây đen che phủ để lòng tái tê

(Đêm Hội An)

Cũng có lúc trống vắng từ trong lòng đến ngoại cảnh:

Vắng thơ vắng cả hẹn hò

Vắng người tri kỷ con đò bơ vơ…

… Chiều thu gặp cơn mưa giông

Đò trôi khách đến đau lòng hay chưa?

(Vắng)

Có lúc nhớ người yêu, mong đến không đến, mong nhớ bồn chồn, mà khi em đến, lạ thay tình cảm lại ngổn ngang lắm nỗi:

Tôi yêu một người

Vừa thương vừa mến

Lúc cần không đến

Lúc đến lại lo

Thương con tò vò

Suốt ngày xây tổ

Biết đâu nỗi khổ

Trên khắp thế gian

Xuân ngắn hạ sang

Thu tàn đông đến

Câm như con hến

Mở như con trai

Ai gặp được ai

Nhờ đêm có dài

Nhờ ai chờ đợi

(Nhớ)

Trong cơn mưa đông, nhà thơ bỗng thấy não lòng khi thấy ai đó còn đang lặn lội giữa trời mưa gió

Mưa như trút nước,

Cứ tưởng hè sang

Nào ngờ mưa mang

Mùa đông lạnh giá

Thương người khách lạ

Không cửa không nhà

Thương ông bà già

Không nơi nương tựa

(Mưa đông)

Có khi ngoại cảnh nhắc nhớ đến câu chuyện đã cách đây xa lắm:

Sau cơn mưa trời lại trong

Càng thương càng nhớ càng mong càng chờ

Cuộc đời đẹp tựa giấc mơ

Hai mươi năm đó tưởng vừa hôm qua

(Hôm qua)

Người làm thơ có lẽ vì rất yêu hoa. Thơ về hoa của ông khá nhiều. Với loài hoa nào ông cũng mến, đứng trước bất kỳ hoa nào, ông cũng xúc động.

Lên Đaklak, ông ngây ngất trước hoa cà phê:

Tôi lại về Đaklak

Hoa Ban chẳng thấy đâu

Màu trắng tận rừng sâu

Hoa cà phê thơm ngát

Mưa xuân bay man mát

Hương thơm quyện quanh tôi

Thấp thoáng những dòng người

Dạo vòng quanh hồ Lak

Đàn voi đi nhúc nhắc…

(Mùa hoa cà phê)

Đêm giao thừa Bính Thân, ông ra ngắm hoa trong cảnh pháo hoa sáng rực trời

Mưa xuân đã đọng trên cành

Chim ca nhảy nhót ngày lành đầu năm

Đào cười mận nở trắng sân

Pháo hoa rực rỡ đón đêm giao thừa

(Bính Thân)

Và khi mùa hè đến, hoa bằng lăng nở tím bên đường, chợt nghĩ đến tuổi trẻ đã qua mất rồi, sao chẳng có chút vướng bận trong lòng:

Bằng lăng lại nở

Bông hoa đầu hè

Màu tím đam mê

Nhắc ai chưa về

Chiều tà vắng vẻ

Chỉ có tiếng ve

Cánh hoa rơi nhẹ

Trên đầu hỏi khẽ

Hết thời tuổi trẻ

Mái tóc chuyển màu

Anh đợi bao lâu

Mà ai chưa đến

Đêm Noel, trước mùi hoa dạ hương ngào ngạt, gợi nhớ đến nhiều loài hoa khác, từ đó thấy, đó là Chúa Trời đã dành ban tặng cho các con chiên của Người:

Noel dưới trăng rằm

Dạ hương ngào ngạt làm tăng nỗi chờ

Hoa ngâu lại nở trái mùa

Lộc vừng nửa nở, nửa khô lá cành

Nhót ra chồi biếc rất nhanh

Khế vàng trĩu quả trên cành đầy xuân

Khen thay con tạo xoay vần

Chúa về ban lộc cho dân yên lành

(Đêm Noel)

Thơ Lương Văn Tự chân chất, cảm xúc riêng và tự nhiên, nó như tiếng lòng của ông gửi tới thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Đọc thơ ông nhất là những bài thơ về hoa, khó mà hình dung nổi người viết thơ đã ở cái tuổi “cổ lai hy” bởi hồn thơ thật tự nhiên và trong sáng như đang đổ tuổi đôi mươi vậy.

Nhà thơ Ngô Văn Phú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *